BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
86/2002/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 9 năm 2002
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 86/2002/TT-BTC NGÀY 27 THÁNG 09 NĂM 2002
HƯỚNG DẪN CHI HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU
Thi hành Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP ngày 24/4/2002 của Chính phủ về một
số giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2002;
Sau khi có ý kiến tham gia của Bộ
Thương mại, Bộ Kế hoạch đầu tư, một số Hiệp hội ngành hàng và ý kiến chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5109/VPCP-KTTH
ngày 16/9/2002 của Văn phòng Chính phủ; để tăng cường khuyến khích và đẩy mạnh
xuất khẩu, Bộ Tài chính qui định cơ chế chi hỗ trợ cho hoạt động phát triển thị
trường và đẩy mạnh xúc tiến thương mại như sau:
I - NHỮNG QUI
ĐỊNH CHUNG
1. Hàng năm, Nhà nước dành một
khoản ngân sách tính trên kim ngạch xuất khẩu để hỗ trợ hoạt động xúc tiến
thương mại đẩy mạnh xuất khẩu theo các chương trình trọng điểm quốc gia (sau
đây gọi tắt là chương trình xúc tiến thương mại) nhằm mục tiêu:
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp
tiếp cận với thị trường xuất khẩu.
- Nâng cao sức cạnh tranh của sản
phẩm xuất khẩu.
- Nâng cao hiểu biết và kỹ năng
tiếp thị xuất khẩu.
- Đa dạng hóa mặt hàng, cải thiện
cơ cấu hàng hóa và thâm nhập mở rộng thị trường xuất khẩu.
- Tuyên truyền cho hàng hoá xuất
khẩu của Việt Nam.
2. Trên cơ sở định hướng xuất khẩu
của Nhà nước từng thời kỳ, Bộ Thương mại chủ trì tổng hợp từ các Bộ, ngành và
đánh giá, đề xuất các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia
trong đó nêu rõ nội dung chương trình, thời gian thực hiện, cơ quan chủ trì
chương trình và dự toán kinh phí để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Đối với một số địa phương có
điều kiện bố trí ngân sách từ nguồn vượt thu và các nguồn tài chính hợp pháp
khác thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập Quỹ
xúc tiến thương mại hoặc Quỹ hỗ trợ xuất khẩu của địa phương để sử dụng chi
khuyến khích xuất khẩu trong đó có hoạt động xúc tiến thương mại theo qui định
tại thông tư này.
Sở Thương mại chủ trì xây dựng
các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của địa phương để trình Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.
4. Nguyên tắc hỗ trợ:
- Kinh phí thực hiện chương
trình xúc tiến thương mại trọng điểm do doanh nghiệp tham gia đóng góp và Nhà
nước hỗ trợ một phần thông qua cơ quan chủ trì chương trình.
- Cơ quan được phân công chủ trì
chương trình phải đảm bảo sử dụng kinh phí tiết kiệm, có hiệu quả và phải chịu
trách nhiệm về nội dung chi theo đúng chế độ hiện hành.
II - NHỮNG
QUI ĐỊNH CỤ THỂ
1. Nội dung hoạt
động xúc tiến thương mại trọng điểm được hỗ trợ bao gồm :
1.1. Thông tin thương mại, tuyên
truyền xuất khẩu và lập trung tâm dữ liệu hỗ trợ doanh nghiệp.
1.2. Tư vấn xuất khẩu.
1.3. Đào tạo nâng cao năng lực
và kỹ năng kinh doanh xuất khẩu cho doanh nghiệp.
1.4. Hội chợ triển lãm hàng xuất
khẩu.
1.5. Khảo sát, tìm kiếm thị trường
xuất khẩu.
1.6. Quảng bá thương hiệu quốc
gia và sản phẩm xuất khẩu đặc trưng quốc gia.
1.7. Chi phí ban đầu xây dựng cơ
sở hạ tầng xúc tiến thương mại: lập kho ngoại quan, trung tâm xúc tiến thương mại,
giới thiệu sản phẩm xuất khẩu ở trong và ngoài nước.
1.8. Nghiên cứu ứng dụng phát
triển thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu.
1.9. Các hoạt động xúc tiến
thương mại khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Đối tượng được
hưởng hỗ trợ: Là các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế thuộc chương trình
xúc tiến thương mại trọng điểm.
3. Đối tượng tiếp
nhận hỗ trợ : Là các hiệp hội ngành hàng hay các cơ quan xúc tiến thương mại
thuộc Bộ, ngành và một số doanh nghiệp có đủ điều kiện được chỉ định làm cơ
quan chủ trì chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia do Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt (đối với các chương trình do ngân sách Trung ương hỗ trợ)
hoặc do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt
(đối với các chương trình do ngân sách địa phương hỗ trợ).
Các doanh nghiệp hoạt động dịch
vụ trong lĩnh vực xúc tiến thương mại không thuộc đối tượng tiếp nhận hỗ trợ.
Cơ quan chủ trì chương trình có
trách nhiệm huy động nguồn kinh phí từ đóng góp của các doanh nghiệp tham gia
chương trình thuộc mọi thành phần kinh tế và tiếp nhận hỗ trợ kinh phí của nhà
nước để sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả cho chương trình.
4. Mức hỗ trợ:
- Hỗ trợ 50% chi phí cho các hoạt
động nêu tại điểm 1.1 đến điểm 1.5 thuộc mục 1 phần II.
- Hỗ trợ 70% chi phí cho các hoạt
động còn lại .
Các trường hợp đặc biệt do Thủ
tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương (đối với địa phương) quyết định.
5. Nguồn vốn hỗ
trợ:
Hàng năm, Nhà nước dành một khoản
ngân sách bằng 0,25% tính trên trị giá tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm trước
(trừ dầu thô) chuyển vào Quỹ hỗ trợ xuất khẩu để hình thành nguồn hỗ trợ cho
các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia. Trường hợp không chi
hết thì giảm trừ vào số trích của năm sau.
Đối với địa phương: Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào khả năng của địa phương và
nhu cầu chi khuyến khích xuất khẩu để quyết định mức trích vào Quỹ xúc tiến
thương mại hoặc Quỹ hỗ trợ xuất khẩu của địa phương cho phù hợp.
6. Thủ tục cấp
hỗ trợ:
- Trên cơ sở tổng mức kinh phí
trong từng chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia được duyệt,
hàng năm cơ quan chủ trì chương trình lập dự toán các khoản chi hoạt động xúc
tiến thương mại và dự kiến số tiền hỗ trợ gửi Bộ Tài chính (đồng gửi Bộ Thương
mại)
Đối với địa phương gửi Sở Tài
chính vật giá (đồng gửi Sở Thương mại).
- Căn cứ dự toán và tiến độ thực
hiện, sau khi thẩm định Bộ Tài chính xuất Quỹ hỗ trợ xuất khẩu (hoặc Sở Tài
chính vật giá cấp từ Quỹ xúc tiến thương mại hoặc Quỹ hỗ trợ xuất khẩu địa
phương) tạm ứng số tiền dự kiến hỗ trợ cho cơ quan chủ trì chương trình để thực
hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.
7. Quyết toán
tiền hỗ trợ:
Hàng năm, cơ quan chủ trì chương
trình có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ các khoản thu chi thực tế và phân chia
kinh phí thực hiện theo tỷ lệ quy định tại Phần II mục 3 để công bố công khai
quyết toán với cơ quan tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính hoặc
Sở Tài chính Vật giá tỉnh thành phố) và các doanh nghiệp tham gia chương trình,
đồng gửi cơ quan thương mại cùng cấp.
Trên cơ sở quyết toán, cơ quan
chủ trì chương trình sẽ phải hoàn trả lại kinh phí thừa hoặc tiếp nhận thêm
kinh phí thiếu của các bên có nghĩa vụ tham gia kinh phí cho chương trình.
Cơ quan chủ trì chương trình chịu
sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng theo qui định.
8. Qui định về
hạch toán:
- Các doanh nghiệp tham gia
chương trình được hạch toán vào giá thành, phí lưu thông của doanh nghiệp các
khoản đóng góp cho cơ quan chủ trì chương trình.
- Các cơ quan chủ trì chương
trình tổ chức hạch toán riêng và đầy đủ các khoản thu chi thuộc chương trình
theo đúng qui định của Nhà nước.
III - ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày ký, áp dụng cho các hoạt động xúc tiến thương mại từ năm 2002 đến
năm 2005 và thay thế Thông tư số 61/2001/TT-BTC
ngày 01/8/2001 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chi hỗ trợ cho các hoạt động phát
triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
có khó khăn vướng mắc đề nghị các cơ quan và doanh nghiệp phản ánh về Bộ Tài
chính để nghiên cứu, giải quyết.