Nghị quyết 04/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về “Chứng minh và chứng cứ” do Hội đồng Thẩm phán - Toà án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 04/2005/NQ-HĐTP
Ngày ban hành 17/09/2005
Ngày có hiệu lực 17/10/2005
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Hiện
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng,Quyền dân sự

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số: 04/2005/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VỀ “CHỨNG MINH VÀ CHỨNG CỨ”

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật tổ chức Tòa án nhân dân;
Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS) về “Chứng minh và chứng cứ”;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

QUYẾT NGHỊ:

1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của BLTTDS thì về nguyên tắc chung, cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của đương sự, của cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 79 của BLTTDS, khi có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc phản đối yêu cầu của người khác đối với mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, thì đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu có nghĩa vụ phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

2. Việc cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp được hướng dẫn tại mục 1 Phần I của Nghị quyết này có thể được thực hiện trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự.

3. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án phải giải thích cho đương sự biết, nếu đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ, thì Tòa án tiến hành giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc dân sự và nếu vụ việc dân sự được xét xử, giải quyết tại phiên tòa, phiên họp thì Tòa án chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, phiên họp, kết quả việc hỏi tại phiên tòa, phiên họp, xem xét đầy đủ ý kiến của người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên để quyết định. Đương sự phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ.

4. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nếu thấy chứng cứ mà đương sự giao nộp chưa đủ cơ sở để giải quyết, thì Tòa án yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của BLTTDS. Khi yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ, Tòa án cần phải nêu cụ thể chứng cứ cần giao nộp bổ sung.

Ví dụ 1: Trong vụ án ly hôn Tòa án phải giải quyết yêu cầu nuôi con chưa thành niên. Nếu đương sự chưa nộp cho Tòa án giấy khai sinh (hoặc bản sao giấy khai sinh) của con chưa thành niên, thì Thẩm phán yêu cầu đương sự nộp bổ sung giấy khai sinh (hoặc bản sao giấy khai sinh) để làm căn cứ cho việc giao con cho người mẹ hay người cha trông nôm, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và quyết định mức cấp dưỡng nuôi con.

Ví dụ 2: Trong vụ án tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hàng hóa mà theo đơn khởi kiện thì ngoài hợp đồng còn có phụ lục hợp đồng, nhưng nguyên đơn mới nộp cho Tòa án bản hợp đồng, thì Thẩm phán yêu cầu nguyên đơn nộp bổ sung bản phụ lục hợp  đồng đó, để có cơ sở  giải quyết tranh chấp.

5. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án cần giải thích cho đương sự biết quy định tại Điều 7 của BLTTDS về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Khi biết chứng cứ đang do cá nhân, cơ quan, tổ chức lưu giữ, quản lý,  thì căn cứ vào quy định tại Điều này, đương sự có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ. Nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không cung cấp được chứng cứ cho đương sự, thì phải thông báo bằng văn bản có ghi rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ cho đương sự biết để họ chứng minh với Tòa án là họ đã thu nhập chứng cứ nhưng không có kết quả và yêu cầu Tòa án thu nhập chứng cứ.

1. Theo quy định tại Điều 81 của BLTTDS, thì một trong những điều kiện của chứng cứ là phải được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do BLTTDS quy định; do đó, việc giao nộp chứng cứ và việc thu thập chứng cứ phải thực hiện theo đúng quy định tại các điều luật tương ứng của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết này.

2. Để được coi là chứng cứ quy định tại Điều 81 của BLTTDS, thì việc xác định chứng cứ từ từng loại nguồn chứng cứ cụ thể như sau:

2.1. Các tài liệu đọc được nội dung phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Bản chính có thể là bản gốc hoặc bản được dùng làm cơ sở lập ra các bản sao.

2.2. Các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự  việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, bằng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ.

Ví dụ 1: Trong vụ tai nạn giao thông, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại được một người cung cấp bằng ghi hình về hiện trường vụ tai nạn giao thông. Trong trường hợp này cùng với việc giao nộp băng ghi hình đó, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại phải  xuất trình cho Tòa án bản xác nhận của người đã cung cấp cho mình về xuất xứ của băng ghi hình đó.

Ví dụ 2: Ông A cho ông B vay năm triệu đồng với thời hạn 12 tháng. Việc vay tài sản không lập thành văn bản, nhưng được ông A ghi âm lại toàn bộ nội dung thỏa thuận về việc vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông A và ông B để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông B. Đến hạn trả nợ ông B không trả số tiền đó cho ông A. Ông A khởi kiện ông B ra Tòa án. Trong trường hợp này cùng với việc giao nộp băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về việc liên quan tới việc thu âm đó.

2.3 Vật chứng phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc dân sự; nếu không phải là hiện vật gốc hoặc không liên quan đến vụ việc thì không phải là chứng cứ trong  vụ việc dân sự đó.

2.4 Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng nếu được ghi âm bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình và được xuất trình theo đúng thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 83 của BLTTDS và hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 mục 2 này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.

2.5 Kết luận giám định, nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục quy định tại Pháp lệnh giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19-5-2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp và hướng dẫn tại mục 6 Phần IV của Nghị quyết này.

2.6 Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ, nếu việc thẩm định tại chỗ được tiến hành theo đúng thủ tục quy định tại Điều 89 của BLTTDS và hướng dẫn tại mục 5 Phần IV của Nghị quyết này.

2.7 Tập quán nếu được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận.

a) Cộng đồng là tập thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội tại nơi có tập quán;

b) Tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận và làm theo như một quy ước chung của cộng đồng;

c) Tập quán thương mại là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại;

d) Tập quán thương mại quốc tế là thông lệ, cách làm lặp đi, lặp lại nhiều lần trong buôn bán quốc tế và được các tổ chức quốc tế có liên quan thừa nhận;

đ) Chỉ chấp nhận tập quán không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Đối với những vấn đề mà đương sự việc dẫn tập quán nhưng đã có văn bản quy phạm pháp luật quy định, thì Tòa án phải áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó để giải quyết mà không áp dụng tập quán.

[...]