Nghị quyết số 04/2000/NQ-HĐ về nhiệm vụ thu - chi ngân sách thành phố năm 2000 (Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XII, kỳ họp thứ 2, từ ngày 20 đến ngày 24/01/2000) do Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 04/2000/NQ-HĐ
Ngày ban hành 25/01/2000
Ngày có hiệu lực 25/01/2000
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2000/NQ-HĐ

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2000

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ THU - CHI NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ NĂM 2000 (HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI KHÓA XII
(Kỳ họp thứ 2, từ ngày 20 đến ngày 24/01/2000)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước;
Căn cứ báo cáo của UBND thành phố và thảo luận của đại biểu HĐND thành phố về tình hình thu chi ngân sách năm 1999, dự toán thu chi ngân sách thành phố năm 2000
.

QUYẾT NGHỊ:

I/- THỰC HIỆN CHỈ TIÊU NHÀ NƯỚC GIAO VỀ THU, CHI NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ NĂM 2000:

 1- Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn: 11.306.000 triệu đồng

Trong đó:

Tổng thu ngân sách địa phương để cân đối chi: 2.211.780 triệu đồng

 2- Tổng chi ngân sách địa phương: 2.211.780 triệu đồng

II/- CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NĂM 2000:

1/ Tán thành về cơ bản dự toán thu, chi ngân sách năm 2000 do UBND thành phố trình bày. Ngân sách năm 2001 của thành phố còn khó khăn, do đó cần bố trí dự toán thu - chi ngân sách phù hợp nhằm thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2000 mà HĐND thành phố đã quyết định và hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1996 - 2000. Đồng thời, cần lưu ý một số vấn đề sau:

+ Trên cơ sở dự toán phân bổ thu, chi ngân sách năm 2000 đã được HĐND thành phố quyết định, UBND thành phố thực hiện việc công bố công khai về ngân sách theo quy định của Nhà nước.

+ Đối với sự nghiệp giáo dục: Bố trí mức tăng 4% so với thực hiện năm 1999, trong đó ưu tiên bố trí cho giáo dục mầm non ngoại thành.

+ Đối với sự nghiệp y tế: Hoàn thiện một số cơ sở y tế chuyên sâu ở Thành phố. Tăng chi mua sắm trang thiết bị khám, chữa bệnh của y tế xã. Đảm bảo chi đủ cho chương trình phòng bệnh theo định mức đầu dân.

+ Đối với sự nghiệp văn hóa - thông tin: Bố trí tăng 2% so với thực hiện năm 1999, tập trung đầu tư cho hoạt động nghiệp vụ của ngành, các đoàn nghệ thuật và các nhiệm vụ phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn.

+ Đối với công tác thể dục thể thao: Đầu tư và tập trung đón nhận đầu tư của Trung ương.

+ Đối với chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách: Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình chuyển tiếp, các dự án trọng điểm (nhất là các dự án thuộc chương trình kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội). Quan tâm đầu tư phát triển cho các quận mới; tăng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn ngoại thành nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn ngoại thành bền vững theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa Thủ đô.

+ Tiếp tục bố trí ngân sách cho một số nhiệm vụ HĐND thành phố đã đề ra trong Nghị quyết của HĐND thành phố về phát triển kinh tế xã hội năm 2000: Thực hiện Đề án điện nông thôn; hỗ trợ lãi suất vốn vay; quy hoạch chi tiết các quận - huyện, phường - xã; quy hoạch cắm mốc giới các tuyến đường, các công trình quan trọng; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất; Xây dựng đường giao thông các khu dân cư và giao thông nông thôn; đèn chiếu sáng ngõ xóm; cấp thoát nước cho những phường có khó khăn; vệ sinh môi trường (hoàn thành việc xóa hố xí thùng). Tăng chi cho đào tạo nghề, giải quyết việc làm; trợ giúp người nghèo; vui chơi giải trí; xóa nhà dột nát; phòng, chống các tệ nạn xã hội.

+ Bố trí kinh phí cho Quỹ phát triển nhà ở 30 tỷ đồng.

2/ Giao Thường trực HĐND và UBND thành phố:

+ Căn cứ ý kiến của HĐND, Thường trực HĐND và UBND thành phố hoàn chỉnh dự toán thu, chi và phương án phân bổ ngân sách năm 2000, danh mục các công trình xây dựng cơ bản, kết cấu hạ tầng trọng điểm năm 2000 để giao cho các đơn vị trực thuộc. Đảm bảo Nghị quyết của HĐND thành phố về nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và ngân sách được triển khai tới các ngành, các cấp ngay từ tháng đầu năm 2000.

+ Thường trực HĐND, các Ban, tổ Đại biểu HĐND giám sát việc thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách theo Nghị quyết của HĐND thành phố, đảm bảo sử dụng ngân sách có hiệu quả, đúng mục đích. Thực hiện một bước chuyên đề giám sát ngân sách xã, phường, thị trấn và đơn vị dự toán cơ sở.

+ Giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND xem xét, quyết định thực hiện các khoản chi phát sinh ngoài dự toán do UBND thành phố trình. Các khoản chi này phải báo cáo lại với HĐND trong kỳ họp gần nhất.

+ UBND thành phố cần tăng cường chỉ đạo các Sở, Ngành, Quận, Huyện thực hiện các chỉ tiêu Nhà nước giao về thu, chi ngân sách năm 2000; thực hiện nghiêm túc những quy định của Chính phủ và thành phố về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phô trương hình thức. Triển khai thực hiện có kết quả các Luật doanh nghiệp và Luật thương mại; ổn định mức thuế tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

+ UBND thành phố chỉ đạo việc nghiên cứu các đề tài khoa học đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực. Nghiên cứu, ban hành quy chế quản lý thu chi học phí của các trường Dân lập; Quy chế quản lý điều hành 35% tiền học phí để lại xây dựng trường sở nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả chung của toàn ngành.

+ UBND thành phố chỉ đạo việc sắp xếp, quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp hoạt động công ích. Xây dựng cơ chế, chính sách về đấu thầu quyền sử dụng đất nhằm tạo thêm vốn xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của Thủ đô.

+ Tiếp tục nghiên cứu về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách và nhiệm vụ quản lý thu, chi của ngân sách xã, phường, thị trấn nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo và trách nhiệm của các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi, cân đối ngân sách của cấp mình; giảm dần phần trợ cấp từ ngân sách thành phố cho ngân sách quận, huyện, phường, xã, thị trấn./.

 

 

TM/ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH



Trần Văn Tuấn