HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 03/2022/NQ-HĐND
|
Hà
Nam, ngày 20 tháng 4 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ SÁU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số
47/2019/QH14;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ:
Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 về việc quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày
24 tháng 5 năm 2018 về khuyến nông; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7
năm 2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất
và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8
năm 2018 về nông nghiệp hữu cơ;
Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày
09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc
áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm
nghiệp và thủy sản;
Xét Tờ trình số 862/TTr-UBND ngày
31 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân
tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và
phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế
- Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận, thống nhất của các đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành
kèm theo Nghị quyết này Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát
triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, tổ
chức thực hiện Nghị quyết này theo quy định của pháp luật.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các
Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Hà Nam Khóa XIX, Kỳ họp thứ sáu (Kỳ họp chuyên đề) thông qua
ngày 20 tháng 4 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2022./.
Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các Bộ: NN&PTMT, Tài chính;
- Cục KTVBQPPL - BTP;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh; UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban, các Tổ, các ĐB HĐND tỉnh;
- Các Sở, ngành: NN và PTNT, Tài chính, KH và ĐT, Tư pháp, Kho bạc tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện TX, TP;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Thanh Sơn
|
QUY ĐỊNH
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND Ngày 20 tháng 4 năm 2022 của
Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy định này quy định nội dung và mức
hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Các Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác
xã, Tổ hợp tác (gọi chung là tổ chức); Hộ gia đình; cá nhân trực tiếp
tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân tổ chức
thực hiện chính sách hoặc có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ
theo Quy định này.
Chương II
NỘI DUNG, MỨC HỖ
TRỢ
Điều 3. Hỗ trợ sản
xuất trồng trọt an toàn
1. Điều kiện được hỗ trợ.
Sản phẩm đăng ký thực hiện áp dụng sản
xuất an toàn (hữu cơ, VietGAP hoặc tương đương) thuộc danh mục sản phẩm
được hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; Diện tích gieo
trồng tập trung đảm bảo tối thiểu 03 ha đối với cây rau củ, quả, cây dược liệu,
05 ha đối với cây ăn quả và 10 ha đối với cây lúa; Sản phẩm được cấp Giấy chứng
nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, VietGAP hoặc tương
đương; có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm.
2. Nội dung, mức hỗ trợ:
a) Hỗ trợ 100% kinh phí: Xác định các
vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, VietGAP hoặc tương đương (điều tra
cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí);
Kinh phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp
hữu cơ, VietGAP hoặc tương đương, đánh giá giám sát sản xuất hàng năm (thời
hạn trong 2 năm) nhưng không quá 80 triệu đồng/01 giấy chứng nhận;
b) Hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn
sản xuất hữu cơ, VietGAP hoặc tương đương. Định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định
tại Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về khuyến
nông; Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2020 của HĐND tỉnh về
ban hành Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn
ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam;
c) Hỗ trợ sản xuất hữu cơ, VietGAP hoặc
tương đương: hỗ trợ 50% giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thời
gian hỗ trợ không quá 03 vụ sản xuất;
d) Hỗ trợ 100% kinh phí tem truy xuất
nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm được chứng nhận;
đ) Hỗ trợ đầu tư để xây dựng cơ sở hạ
tầng vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hữu cơ, VietGAP hoặc
tương đương: Nội dung và mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2
Điều 5 Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng
Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp
tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Điều 4. Hỗ trợ
phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến
1. Điều kiện được hỗ trợ:
a) Đối với trồng trọt: xây dựng nhà
kính, nhà lưới có diện tích tối thiểu 500 m2/hộ gia đình, cá nhân và
2.500 m2/tổ chức, đảm bảo kỹ thuật, phù hợp với đối tượng cây trồng;
có hệ thống tưới tiết kiệm, có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và
các sản phẩm sản xuất ra phải có giấy chứng nhận sản xuất đủ điều kiện đảm bảo
an toàn thực phẩm;
b) Đối với chăn nuôi: áp dụng công
nghệ chuồng kín, công nghệ sinh học xử lý môi trường trong chăn nuôi gia cầm,
quy mô tối thiểu 130 m2 chuồng trại/cơ sở, chăn nuôi 1.000 con gia cầm/lứa
trở lên, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với đối tượng nuôi.
2. Nội dung, mức hỗ trợ.
a) Về lĩnh vực trồng trọt:
- Hỗ trợ kinh phí làm nhà lưới 30.000
đồng/m2; nhà kính 100.000 đồng/m2, mức hỗ trợ tối đa
không quá 100 triệu đồng/01 hộ gia đình, cá nhân; tối đa không quá 500 triệu đồng/01
tổ chức.
- Hỗ trợ kinh phí làm hệ thống tưới
nước tự động, bán tự động: 20.000 đồng/m2, mức hỗ trợ tối đa 50 triệu
đồng/01 hộ gia đình, cá nhân; không quá 250 triệu đồng/01 tổ chức; đảm bảo kỹ
thuật, phù hợp với đối tượng cây trồng.
b) Về lĩnh vực chăn nuôi gia cầm:
- Hỗ trợ một lần 30% giá trị hệ thống
làm mát chuồng trại, mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/cơ sở.
- Hỗ trợ một lần 50% chi phí mua chế
phẩm sinh học, sản phẩm xử lý môi trường cho 01 (một) chu kỳ sản xuất. Mức hỗ
trợ không quá 10 triệu đồng/cơ sở.
Điều 5. Hỗ trợ
phát triển sản xuất nông nghiệp và các vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng cây
có giá trị kinh tế cao
1. Điều kiện được hỗ trợ.
Chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây
trồng trên đất lúa sang trồng giống và cây trồng có giá trị kinh tế cao theo
hình thức chuyên canh phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi của địa
phương; diện tích sản xuất tập trung tối thiểu 03 ha trở lên đối với rau, củ,
cây dược liệu, cây hoa, 05 ha đối với cây ăn quả và 10 ha trở lên đối với cây
lúa.
2. Nội dung, mức hỗ trợ:
a) Đối với cây lâu năm hỗ trợ một lần
50% tiền giống; hỗ trợ 50% tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với thời gian
không quá 03 năm. Với cây hàng năm hỗ trợ một lần 50% tiền giống và phân bón,
thuốc bảo vệ thực vật;
b) Hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo, chi phí
tuyên truyền, tham quan, tập huấn kỹ thuật: Định mức hỗ trợ thực hiện theo Nghị
quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về
ban hành Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn
ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 6. Hỗ trợ
phát triển diện tích cấy lúa bằng máy
1. Điều kiện được hỗ trợ.
Thực hiện cấy lúa bằng máy có diện
tích cấy tập trung đảm bảo tối thiểu từ 5 ha trở lên.
2. Nội dung, mức hỗ trợ.
Hỗ trợ một lần 30% chi phí giống, phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật cho diện tích cấy máy.
Điều 7. Hỗ trợ
phòng chống các dịch hại cây trồng
1. Điều kiện được hỗ trợ
Trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp
và thực hiện phòng chống các dịch hại cây trồng, dịch hại mới, dịch hại nguy hiểm
có nguy cơ gây thiệt hại lớn trong sản xuất.
2. Nội dung, mức hỗ trợ:
Hỗ trợ kinh phí mua thuốc diệt chuột
tối đa 300.000 đồng/ha/năm (một năm không quá 2 lần); chi phí mua thuốc
bảo vệ thực vật phòng chống sinh vật, dịch hại mới, dịch hại nguy hiểm có nguy
cơ gây thiệt hại lớn trong sản xuất.
Điều 8. Hỗ trợ cải
tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt
1. Điều kiện được hỗ trợ.
Hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, tổ
hợp tác chăn nuôi bò sinh sản hướng thịt trên địa bàn tỉnh. Sử dụng tinh bò thịt
chất lượng cao để cải tạo, nhân giống thay thế các giống bò thịt có năng suất,
chất lượng thấp.
2. Nội dung, mức hỗ trợ:
Hỗ trợ 100% kinh phí về liều tinh và
vật tư phối giống bò thịt chất lượng cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo,
bao gồm: Liều tinh, nitơ lỏng, găng tay, ống gel...; mức hỗ trợ không quá 02 liều
tinh bò thịt chất lượng cao/bò cái sinh sản/năm.
Điều 9. Hỗ trợ cơ
giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
1. Điều kiện được hỗ trợ.
Trực tiếp đầu tư mua máy móc, thiết bị
phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Máy móc, thiết bị đầu tư mới
100%, có xuất xứ rõ ràng, công suất đảm bảo theo quy định.
2. Nội dung, mức hỗ trợ:
a) Hỗ trợ 30% giá trị máy cấy có công
suất máy từ 4,3 mã lực trở lên (tối đa không quá 120 triệu đồng); hỗ trợ
mỗi tổ chức, cá nhân tối đa không quá 01 máy cấy; Mỗi đơn vị cấp xã hỗ trợ tối
đa không quá 05 máy cấy;
b) Hỗ trợ 30% giá trị máy cuộn rơm có
công suất máy từ 70 mã lực trở lên (tối đa không quá 100 triệu đồng); hỗ
trợ mỗi tổ chức, cá nhân tối đa không quá 01 máy cuộn rơm. Mỗi đơn vị cấp xã hỗ
trợ tối đa không quá 05 máy cuộn rơm;
c) Hỗ trợ 30% giá trị hệ thống giàn
gieo khay mạ tự động phục vụ cấy máy (tối đa không quá 30 triệu đồng); hỗ
trợ mỗi tổ chức, cá nhân tối đa không quá 01 hệ thống;
d) Hỗ trợ 30% giá trị máy bay phun
thuốc bảo vệ thực vật có tải trọng từ 10 kg trở lên (tối đa không quá 200
triệu đồng); hỗ trợ mỗi tổ chức, cá nhân tối đa không quá 01 máy. Mỗi đơn vị
cấp xã hỗ trợ tối đa không quá 02 máy;
đ) Hỗ trợ 30% giá trị hệ thống máng
ăn bán tự động, nước uống tự động có quy mô chăn nuôi từ 4.000 gà thịt, gà đẻ/lứa
trở lên. Tối đa không quá 15 triệu đồng/hệ thống.
Điều 10. Nguồn
kinh phí, hình thức hỗ trợ
1. Nguồn kinh phí thực hiện: Từ ngân
sách Nhà nước theo phân cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác được cấp có thẩm quyền
phê duyệt hàng năm.
2. Hình thức hỗ trợ: Ngân sách Nhà nước
hỗ trợ sau đầu tư theo kế hoạch, chương trình, đề án, dự án được phê duyệt./.