Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, khóa X

Số hiệu 03/2022/NQ-HĐND
Ngày ban hành 13/07/2022
Ngày có hiệu lực 23/07/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Hồ Thị Hoàng Yến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2022/NQ-HĐND

Bến Tre, ngày 13 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 5 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE, KHÓA X

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận các giải pháp, cam kết do Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các cơ quan chuyên môn đã đề ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các giải pháp đã cam kết với Hội đồng nhân dân tỉnh và cử tri.

Về từng nội dung cụ thể, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện các công việc sau đây:

1. Giải pháp để hỗ trợ người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và bảo đảm đầu ra cho nông sản (bao gồm cả sản phẩm dừa hữu cơ) tại địa phương.

a) Chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương xác định sản lượng để nghiên cứu xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân tiêu thụ các nông sản còn tồn đọng tại các địa phương, trong đó sớm xác định giá sàn đối với dừa đạt chứng nhận hữu cơ.

b) Tiếp tục kiến nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ địa phương trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của tỉnh sang thị trường quốc tế; đồng thời tăng cường tìm kiếm kết nối cung cầu với các doanh nghiệp thị trường trong nước nhằm tìm đầu ra phù hợp, ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh như: dừa, tôm, bưởi da xanh để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

c) Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp liên kết các chuỗi giá trị nông sản. Sớm xây dựng và thực hiện kế hoạch thực hiện thí điểm vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị. Xây dựng quy hoạch và mời gọi đầu tư các dịch vụ logistics, kho bãi để bảo quản các sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các chương trình khuyến công của tỉnh.

d) Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nông dân tham gia các chuỗi giá trị nông sản, sản xuất nông sản đúng quy trình, tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường như: tăng sản xuất các sản phẩm dừa hữu cơ, sản phẩm nông sản sạch, đăng ký vùng trồng, đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp,... Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành tỉnh tăng cường hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân và cán bộ phụ trách nông nghiệp tại cấp cơ sở để nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân và chất lượng quản lý nông nghiệp tại cấp cơ sở.

2. Giải pháp phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh

a) Giải pháp xây dựng vùng sản xuất dừa

- Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất dừa hữu cơ; đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho người trồng dừa để vận dụng vào thực tiễn sản xuất. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhất là Hội nông dân các cấp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ hội nông dân về nông nghiệp hữu cơ, các tiêu chuẩn hữu cơ và kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, xây dựng thí điểm mô hình “Hội nông dân xã, chi hội trưởng nông dân ấp tham gia làm cộng tác viên sản xuất dừa hữu cơ, quản lý vùng sản xuất dừa hữu cơ”.

- Xác định quy mô vườn dừa hữu cơ và lộ trình thực hiện đồng bộ để chuỗi dừa thực sự lớn và vững chắc.

- Tiếp tục vận động người dân chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng tham gia hoặc thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã về dừa hữu cơ trên địa bàn để mở rộng diện tích các vườn dừa hữu cơ tập trung; tiến đến xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan nghiên cứu xem xét, đề xuất hỗ trợ chi phí quản lý vùng nguyên liệu hữu cơ và phí chứng nhận dừa hữu cơ, trong đó xác định rõ phần chi phí nào của người dân, chi phí nào của doanh nghiệp và của Nhà nước trong tổng chi phí này để dành ngân sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

b) Vấn đề chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ dừa

- Tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến dừa; hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm dừa tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển các sản phẩm từ dừa như: nước dừa, nước cốt dừa, sữa dừa, ...

 - Phát triển diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh tạo vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, xây dựng chuỗi liên kết nông dân và doanh nghiệp, qua đó nâng cao giá trị trái dừa, góp phần xây dựng thương hiệu dừa Bến Tre, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu phù hợp với xu hướng tiêu dùng thế giới hiện nay.

- Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và doanh nghiệp dừa nói riêng tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước thông qua tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh.

- Tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh đàm phán để đưa sản phẩm dừa trái vào danh mục được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ