HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/2012/NQ-HĐND
|
Hà
Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2012
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM
2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 4
(Từ
ngày 03/4/2012 đến ngày 05/4/2012)
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Sau khi xem xét tờ trình số
19/TTr-UBND ngày 19/3/2012 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch tổng
thể phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030;
báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND Thành phố; báo cáo giải
trình số 39/BC-UBND ngày 31/3/2012 của UBND Thành phố; ý kiến thảo luận của các
đại biểu HĐND Thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Thông qua Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội
đến năm 2020, định hướng năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm,
định hướng và mục tiêu phát triển
2.1. Quan điểm phát triển
- Phát triển nông nghiệp hiện đại
trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến
để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với chế biến,
tiêu thụ sản phẩm. Phát triển nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động
trong nông nghiệp, quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện
đại, tăng hiệu suất sử dụng đất và tăng năng suất lao động nông nghiệp, nâng
cao thu nhập và đời sống của nông dân.
- Phát triển nông nghiệp theo hướng
nông nghiệp đô thị sinh thái, góp phần tạo cảnh quan môi trường, thúc đẩy phát
triển du lịch sinh thái, hài hòa và bền vững với môi trường, từng bước thích ứng
với biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Phát triển nông nghiệp theo hướng
hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh, các vành đai xanh,
các tuyến nông nghiệp sinh thái và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Phát triển nông nghiệp gắn với
nhu cầu thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tiến tới an
ninh dinh dưỡng; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
2.2. Mục tiêu phát triển
a. Mục tiêu chung
Trên cơ sở ổn định vùng sản xuất
nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất
lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo ra những vùng sản xuất hàng
hóa tập trung lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Tập trung ưu tiên phát triển những
cây, con có lợi thế; giảm dần diện tích sản xuất cây lương thực đi đôi với việc
phát triển lúa chất lượng cao; tăng sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn
quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nguồn nước, lao động và vốn đầu tư.
Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, tập trung ngoài khu dân
cư; từng bước phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Nội theo hướng sản xuất
giống. Trước mắt ổn định, tiến tới giảm dần tổng đàn lợn; ổn định đàn gia cầm;
tăng nhanh đàn bò sữa, phát triển đàn bò thịt. Phát triển thủy sản theo hướng tập
trung thâm canh, tăng nhanh năng suất, phát triển bền vững.
b. Mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP
giai đoạn 2011-2020 là 1,5 - 2,0%/năm.
- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá
trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 là 1,85%/năm.
- Cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong
tổng GRDP Thành phố năm 2015 chiếm 3 - 4%; năm 2020 là 2 - 2,5%.
- Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp:
+ Năm 2015: Trồng trọt 40%; chăn
nuôi 50%, thủy sản 10%;
+ Năm 2020: Trồng trọt 34,5%; chăn
nuôi 54%, thủy sản 11,5%;
- Giá trị sản xuất bình quân/01 ha
đất nông nghiệp (giá thực tế): Năm 2015 trên 231 triệu đồng, năm 2020 trên 340
triệu đồng.
2.3. Định hướng đến năm 2030
- Tăng nhanh diện tích sản xuất
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Mở rộng diện tích cây trồng có chất
lượng cao, sản phẩm an toàn;
- Tăng nhanh nông sản qua chế biến
để đạt giá trị gia tăng cao.
- Phát triển nông nghiệp gắn với
hình thành vành đai xanh, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh quy
mô lớn: vùng rau sạch, lúa chất lượng cao, cây ăn quả, hoa, cây cảnh gắn với hệ
thống phân phối tiện lợi cho người dân. Nâng cao năng suất, chất lượng nông sản
hàng hóa, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tăng giá trị sản xuất trên đơn
vị diện tích đất nông nghiệp.
3. Nội dung và
giải pháp Quy hoạch
3.1. Quy hoạch phát triển
nông nghiệp
3.1.1. Quy hoạch sản phẩm trồng
trọt:
a. Sản xuất lương thực:
- Lúa: năm 2015 - diện tích gieo trồng
170-172 nghìn ha; năng suất 58 tạ/ha, sản lượng 990-970 nghìn tấn; năm 2020 -
diện tích gieo trồng 144 - 146 nghìn ha; năng suất 60 tạ/ha, sản lượng khoảng
850 - 880 nghìn tấn. Tập trung chủ yếu tại các vùng thuận lợi về tưới, tiêu, đất
đai màu mỡ, vùng trồng lúa truyền thống.
Vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng
cao 40 nghìn ha canh tác (chiếm khoảng 35% diện tích), tập trung tại 8 huyện trọng
điểm lúa.
- Cây ngô: ổn định diện tích gieo
trồng khoảng 23 nghìn ha, trong đó vụ đông 17-18 nghìn ha nhằm góp phần đảm bảo
mục tiêu lương thực và cung cấp thức ăn chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2015 năng
suất ngô bình quân đạt trên 50 tạ/ha, sản lượng đạt 115 nghìn tấn; năm 2020
năng suất bình quân trên 55 tạ/ha, sản lượng khoảng 126 nghìn tấn. Tập trung chủ
yếu tại vùng bãi ven sông.
b. Rau đậu thực phẩm:
- Năm 2015, tổng diện tích gieo trồng
rau đậu thực phẩm khoảng 32 nghìn ha, sản lượng khoảng 640 nghìn tấn; trong đó
diện tích trồng rau an toàn 11,2 nghìn ha, sản lượng 234 nghìn tấn.
- Năm 2020, diện tích gieo trồng 34
nghìn ha; sản lượng khoảng 680 nghìn tấn, trong đó diện tích trồng rau an toàn
khoảng 18-19 nghìn ha, sản lượng rau an toàn khoảng 380 nghìn tấn. Tập trung tại
vùng bãi ven sông, vùng đồng bằng.
c. Cây ăn quả: năm 2015, diện tích
trồng cây ăn quả là 15,5 nghìn ha, sản lượng 230 nghìn tấn; năm 2020 diện tích
khoảng 17 nghìn ha; sản lượng đạt khoảng 260 nghìn tấn. Phát triển đa dạng các
loại cây ăn quả, trong đó ưu tiên phát triển một số loại cây ăn quả giá trị
kinh tế cao, lợi thế như: bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn, chuối nuôi cấy
mô... Tập trung chủ yếu tại vùng đồi gò, vùng bãi ven sông. Quy hoạch, bảo tồn
một số giống cây quý của Hà Nội.
d. Hoa cây cảnh: Xây dựng các vùng
trồng hoa tại một số xã ở các huyện: Từ Liêm, Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng,
Gia Lâm...
Từng bước hiện đại hóa các vùng sản
xuất hoa định hướng xuất khẩu quy mô 50 ha/vùng tại huyện Mê Linh, Từ Liêm và
Đan Phượng.
e. Phát triển cây đậu tương: quy mô
diện tích khoảng 31-33 nghìn ha gieo trồng; sản lượng 59 - 62 nghìn tấn. Vùng sản
xuất tập trung đậu tương chủ yếu tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức,
Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thường Tín.
f. Cây chè: ổn định diện tích hiện
có ở các huyện vùng gò đồi với diện tích 2.700 - 3.000 ha. Đầu tư cải tạo vườn
chè cũ bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả sản
xuất chè; đến năm 2015 cải tạo khoảng 1.000 ha, giai đoạn 2016 -2020 cải tạo
khoảng 1.000 ha. Dự kiến năm 2020 năng suất chè búp tươi đạt từ 80 tạ/ha trở
lên. Vùng tập trung ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn.
3.1.2. Quy hoạch chăn nuôi:
Phát triển các loại gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi trang trại, công nghiệp,
bán công nghiệp, chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư gắn với các cơ sở giết mổ,
chế biến và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh, môi trường.
a. Quy hoạch đàn vật nuôi:
- Đàn lợn: Tổng đàn lợn đến năm
2015 đạt khoảng 1,4 - 1,5 triệu con và ổn định tổng đàn đến năm 2020. Sản lượng
thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2015 dự kiến đạt 330 nghìn tấn (tăng bình quân
1,5%/năm). Đến năm 2020 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 340 nghìn tấn
(tăng bình quân 0,6%/năm).
Từng bước đưa chăn nuôi lợn trên địa
bàn Hà Nội theo hướng sản xuất giống, vừa cung cấp giống lợn con cho chăn nuôi
trang trại trên địa bàn và cung cấp cho các tỉnh khác (đạt trên 6 triệu con lợn
giống/năm); giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư hiện nay từ 70% xuống còn
40% năm 2015 và tiếp tục giảm vào năm 2020. Phát triển chăn nuôi vùng tập trung
xa khu dân cư tại các huyện có điều kiện về đất đai như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh
Oai, Chương Mỹ, Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất,
Đông Anh.
- Đàn trâu, bò:
+ Bò thịt: năm 2015 tổng đàn 170
nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 8,2 nghìn tấn; Năm 2020, tổng
đàn khoảng 150 - 155 nghìn con, sản lượng thịt hơi 8 nghìn tấn. Chăn nuôi bò thịt
trọng điểm ở vùng đồi gò, vùng bãi ven sông;
+ Bò sữa: năm 2015 là 15.000 con, sản
lượng sữa khoảng 25 nghìn tấn, năm 2020 tăng lên 20.000 con, sản lượng sữa khoảng
36 nghìn tấn. Chăn nuôi bò sữa chủ yếu ở Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Đông Anh;
+ Đàn trâu: tổng đàn giảm dần còn
khoảng 20 nghìn con năm 2015 và 16 nghìn con năm 2020.
- Gia cầm: Trong giai đoạn 2011 -
2020, tổng đàn gia cầm ổn định vào khoảng 15 triệu con/năm. Áp dụng biện pháp
nuôi thâm canh tập trung, tăng số lứa gia cầm xuất chuồng. Sản lượng thịt gia cầm
xuất chuồng khoảng 59 nghìn tấn năm 2015 và đạt trên 66 nghìn tấn năm 2020 (đàn
gà chiếm trên 80% tổng đàn); chú trọng phương thức chăn nuôi tập trung thâm
canh; phấn đấu tới năm 2015 có khoảng 40 - 50% số lượng gia cầm được chăn nuôi
tập trung và năm 2020 có trên 70%;
Hướng bố trí sản xuất: Địa bàn trọng
điểm chăn nuôi gia cầm là các huyện vùng gò đồi và một số huyện có điều kiện đất
rộng như Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Ứng Hoà,
Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thạch Thât, có tổng đàn gia cầm chiếm trên 85% toàn Thành
phố.
b. Quy hoạch các khu chăn nuôi tập
trung ngoài khu dân cư:
- Đối với các khu chăn nuôi tập
trung đã xây dựng, tiến hành rà soát tiến tới xóa bỏ và di dời các khu chăn
nuôi nằm gần khu dân cư, khu vực dự kiến quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp,
gây ô nhiễm môi trường. Quy hoạch nâng cấp mở rộng quy mô những khu chăn nuôi tập
trung có điều kiện.
3.2. Quy hoạch lâm nghiệp:
Tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng
đến năm 2020 là 26.707 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 7,3% hiện nay lên 8,0%
vào năm 2020; trong đó:
- Rừng phòng hộ: Tổng diện tích rừng
phòng hộ bảo vệ môi trường là 9.000 ha, chủ yếu tập trung tại các huyện: Sóc
Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thị xã Sơn Tây và Chương Mỹ;
- Rừng đặc dụng: Tổng diện tích rừng
đặc dụng là: 13.546 ha, bao gồm: bao gồm khu K9, Vật Lại, vườn Quốc gia Ba Vì
và khu Hương Sơn (Mỹ Đức);
- Rừng sản xuất: Tổng diện tích rừng
sản xuất là 4.161 ha, trồng rừng thay thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu rừng
kinh tế bằng các loài cây đa tác dụng. Phân bố tại 4 huyện: Ba Vì, Thạch Thất,
Quốc Oai, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây.
3.3. Quy hoạch thủy sản
3.1.1. Định hướng phát triển:
- Đối với vùng nuôi trồng thuỷ sản
tập trung 9.527 ha, chú trọng đầu tư thâm canh để tăng nhanh năng suất, sản lượng,
đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường;
- Tận dụng diện tích mặt nước các hồ
chứa để kết hợp nuôi thủy sản;
- Hàng năm chuyển đổi 200 - 250 ha
ruộng trũng sản xuất kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản.
3.3.2. Quy mô phát triển:
- Đến năm 2015: tổng diện tích nuôi
trồng thuỷ sản 21.500 ha (trong đó diện tích tập trung có điều kiện đầu tư thâm
canh 10.473 ha), năng suất vùng nuôi trồng tập trung thâm canh bình quân 9,8 tấn/ha,
tổng sản lượng thủy sản khoảng 120 nghìn tấn;
- Đến năm 2020: diện tích nuôi trồng
thủy sản khoảng 22.500 ha (trong đó diện tích tập trung có điều kiện đầu tư
thâm canh 11.473 ha), năng suất vùng nuôi tập trung bình quân 16,7 tấn/ha, tổng
sản lượng thủy sản khoảng 212 nghìn tấn.
3.3.3. Sản xuất thuỷ sản tập trung
chủ yếu tại các vùng trũng, thấp thuộc các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hoà,
Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn, Quốc Oai.
4. Các giải pháp
chủ yếu thực hiện Quy hoạch
4.1. Quản lý quy hoạch:
- Tổ chức công bố quy hoạch sau khi
được phê duyệt. Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, giám sát việc thực hiện
quy hoạch tại các huyện, thị xã.
- Hoàn thành xây dựng các quy hoạch
chi tiết: chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi đê điều; các khu sản xuất
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xác định các phân khu quy hoạch để hình
thành các vùng sản xuất tập trung.
4.2. Xây dựng và ban hành các cơ chế
chính sách khuyến khích doanh nghiệp, dồn điền đổi thửa, đầu tư phát triển nông
nghiệp. Trong đó tập trung cho hỗ trợ sản xuất giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật,
đào tạo, cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa …
4.3. Nâng cao năng lực quản lý nhà
nước các cấp về lĩnh vực nông nghiệp. Hoàn thiện đề án tăng cường đội ngũ cán bộ
nông nghiệp cấp xã. Tăng cường quản lý, củng cố, hỗ trợ và nâng cao chất lượng,
hiệu quả sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp.
4.4. Xây dựng và tổ chức thực hiện
có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm, phát triển các loại cây trồng, vật
nuôi có giá trị kinh tế cao: đề án giống cây trồng vật nuôi, đề án cây ăn quả,
rau an toàn, hoa, cây cảnh, chương trình lúa chất lượng cao, phát triển vùng
chè, cơ giới hóa nông nghiệp...
4.5. Đầu tư xây dựng các công trình
hạ tầng phục vụ sản xuất: thủy lợi, giao thông nội đồng, cơ sở sản xuất giống,...
chú ý đến cơ sở hạ tầng trong các khu sản xuất tập trung.
4.6. Đầu tư xây dựng các mô hình sản
xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ
thuật cho nông dân để đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
4.7. Tổ chức hệ thống tiêu thụ nông
sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, chế biến thực phẩm,...
5. Vốn, nguồn vốn
đầu tư
5.1. Vốn, nguồn vốn đầu tư: Dự kiến
tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 khoảng 60.168,9 tỷ
đồng (Vốn có nguồn gốc ngân sách 22.941,4 tỷ đồng, chiếm 38,1%), trong đó: Giai
đoạn 2011-2015 là 30.184,9 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 29.984 tỷ đồng;
5.2. Huy động nguồn vốn đầu tư: Thu
hút mọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, bao gồm vốn
đầu tư trong nước (ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, của
dân,...); vốn đầu tư nước ngoài.
Điều 2.
1. Giao
Ủy ban nhân dân Thành phố nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế
và Ngân sách nêu tại báo cáo số 10/BC-HĐND ngày 30/3/2012 và ý kiến của đại biểu
HĐND Thành phố tại kỳ họp để rà soát, bổ sung, hoàn thiện bản quy hoạch trước
khi phê duyệt; tập trung vào một số nội dung chính sau:
- Đánh giá sâu hơn tiềm năng, lợi
thế, thách thức, khó khăn của nông nghiệp Hà Nội. Phân tích kỹ hơn về: sự phù hợp,
hiệu quả trong bố trí các vùng sản xuất- thực trạng hoạt động của các nông lâm
trường, các hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp; việc gắn kết
sản xuất - chế biến - bảo quản - tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản ở Thủ
đô thời gian qua; việc sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt, đất bãi và có các giải pháp
thực hiện phù hợp trong kỳ quy hoạch.
- Xác định chỉ tiêu quy hoạch diện
tích trồng hoa, cây cảnh (gồm diện tích gieo trồng và diện tích canh tác) phù hợp
với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020, định hướng
đến năm 2030; làm rõ phương án xử lý đối với diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ
và đất bãi trong các quận; phương án xử lý, sử dụng hiệu quả đối với quỹ đất
giao cho các nông lâm trường và mối quan hệ quản lý ngành-cấp.
- Rà soát, làm rõ hơn các giải pháp
thực hiện quy hoạch đảm bảo toàn diện, khả thi, trong đó: xác định cụ thể hơn
giải pháp xây dựng các mô hình sản xuất chủ đạo, nhất là đặc thù nông nghiệp đô
thị sinh thái, quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm; bổ sung giải pháp
ưu tiên sản xuất giống và giải pháp quản lý tốt thị trường nông sản.
- Bổ sung danh mục sản phẩm nông
nghiệp chủ lực đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
- Xây dựng lộ trình, tiến độ thực
hiện cụ thể để đảm bảo đầu tư tập trung, tránh dàn trải; rà soát, bổ sung đủ
thông tin về địa điểm, dự kiến vốn đầu tư cho từng thời kỳ kế hoạch 5 năm của
các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư.
- Thực hiện lấy ý kiến của Bộ Quốc
phòng theo quy định tại Quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng trong
khu vực phòng thủ ban hành kèm theo Quyết đinh số 13/2012/QĐ-TTg ngày
23/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trước khi phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Giao UBND Thành phố: phê
duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng
đến năm 2030 và tổ chức thực hiện Quy hoạch theo quy định; Kiến nghị Chính phủ
và các Bộ ngành Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước các nông lâm
trường trực thuộc Bộ ngành Trung ương quản lý trên địa bàn nhằm đảm bảo thực hiện
có hiệu quả Quy hoạch và các chính sách pháp luật liên quan.
3. Giao Thường trực HĐND,
các Ban HĐND, các tổ đại biểu và các đại biểu HĐND Thành phố giám sát việc thực
hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được HĐND thành
phố Hà Nội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban công tác đại biểu Quốc Hội;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và
Môi trường, Tư pháp;
- Thường trực Thành uỷ;
- Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQ Thành phố;
- Đại biểu HĐND Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy, các Ban TU;
- VP Đoàn ĐBQH&HĐND TP, VP UBND TP;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Công báo thành phố Hà Nội;
- Cổng GTĐT Thành phố, Báo HNM, Báo KTĐT;
- Lưu: VT, Ban KTNS.
|
CHỦ
TỊCH
Ngô Thị Doãn Thanh
|