Nghị quyết 03/2010/NQ-HĐND phê duyệt Đề án phát triển giáo dục và đào tạo các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010 - 2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa VIII, kỳ họp thứ 20 (bất thường) ban hành

Số hiệu 03/2010/NQ-HĐND
Ngày ban hành 22/04/2010
Ngày có hiệu lực 02/05/2010
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trương Xuân Thìn
Lĩnh vực Giáo dục

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 03/2010/NQ-HĐND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 22 tháng 4 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHOÁ VIII, KỲ HỌP THỨ 20 (BẤT THƯỜNG)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Căn cứ Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012;
Xét Tờ trình số 15/TTr-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc đề nghị ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án phát triển giáo dục và đào tạo các xã miền núi và vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010 - 2015;
Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển giáo dục và đào tạo các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010 - 2015, gồm những nội dung chính như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Bao gồm 14 xã miền núi đặc biệt khó khăn tỉnh Ninh Thuận, trong đó;

- Huyện Bác Ái: 8/9 xã (trừ xã Phước Đại);

- Huyện Ninh Sơn: 2 xã: xã Ma Nới và xã Hoà Sơn;

- Huyện Thuận Nam: 1 xã Phước Hà;

- Huyện Thuận Bắc: 3 xã: xã Phước Kháng, xã Phước Chiến và xã Bắc Sơn.

2. Mục tiêu

- Tập trung các nguồn lực để phát triển giáo dục toàn diện và bền vững cả về quy mô phát triển, về chất lượng giáo dục và đào tạo, về đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh;

- Huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi ra lớp, tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, kiên cố hoá, hiện đại hoá nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

3. Chỉ tiêu

- Đối với cấp mầm non: tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ 20% - 30%; giáo viên đạt chuẩn 100%, trong đó trên chuẩn là 30%; 100% các cơ sở tổ chức dạy 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ em 5 tuổi học mẫu giáo trước khi vào lớp 1 đạt khoảng 98%;

- Đối với cấp tiểu học: tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 30%; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%, trong đó trình độ trên chuẩn trên 80%; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm còn dưới 4%, học sinh lưu ban giảm còn dưới 10%; hiệu quả đào tạo trên 90%, số học sinh học 2 buổi/ngày đạt khoảng 40 - 50%; tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học trên 99%;

- Đối với cấp trung học cơ sở: tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 30%; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%, trong đó trình độ trên chuẩn trên 60%; số trường đạt tiêu chuẩn “Trường học thân thiện và học sinh tích cực” trên 50%; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm còn dưới 9%, học sinh lưu ban giảm còn dưới 2,5%; hiệu quả đào tạo trên 75%.

4. Tổng nguồn vốn

a) Dự toán tổng số vốn đầu tư: 84.799 triệu đồng; từ các nguồn vốn sau:

- Nguồn vốn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP: 37.542 triệu đồng.

- Nguồn vốn Trái phiếu chính phủ: 28.667 triệu đồng.

- Nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia: 18.590 triệu đồng.

- Nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có);

b) Nội dung đầu tư: (danh mục chi tiết kèm theo Nghị quyết)

- Xây dựng 192 phòng học.

- Xây dựng 443 phòng chức năng.

[...]