Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐND7 quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2020 do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 03/2006/NQ-HĐND7
Ngày ban hành 14/07/2006
Ngày có hiệu lực 24/07/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Vũ Minh Sang
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2006/NQ-HĐND

Thủ Dầu Một, ngày 14 tháng 7 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2006-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHOÁ VII – KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 123/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định 73/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3163/TTr-UBND ngày 21/6/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2020; Báo cáo thẩm tra số 28/BC-HĐND-KTNS ngày 11/7/2006 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển công nghiệp

- Trong giai đoạn 2006-2020 công nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ yếu làm động lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp phát triển theo hướng vừa tăng trưởng cả về lượng và về chất, đảm bảo hiệu quả, ổn định và bền vững.

- Phát triển ngành công nghiệp đa dạng, năng động và có cơ cấu ngành hợp lý; đảm bảo sự ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm phù hợp với nguồn lực và lợi thế của tỉnh trong từng giai đoạn và phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phát triển công nghiệp trên cơ sở phát huy tổng hợp nguồn lực của các thành phần kinh tế: các doanh nghiệp nhà nước phát triển theo hướng hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh; thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác và khu vực tư nhân, lấy đầu tư nước ngoài làm động lực cho tiến trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng hiện đại và hiệu quả.

- Phát triển công nghiệp gắn chặt với phát triển dịch vụ, phát triển công nghiệp nông thôn, tạo động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa.

- Phát triển công nghiệp theo vùng lãnh thổ một cách hợp lý. Hướng các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch và hạn chế đến mức thấp nhất đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp.

- Phát triển công nghiệp Bình Dương phải gắn với sự phát triển công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và công nghiệp của cả nước.

- Phát triển công nghiệp gắn với các yêu cầu của phát triển bền vững, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

- Gắn phát triển công nghiệp với giữ vững an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

2. Định hướng phát triển

Trong giai đoạn 2006-2010 phát triển công nghiệp với tốc độ cao kết hợp với đầu tư chiều sâu. Khu vực phía Nam sẽ tập trung phát triển về chiều sâu, khu vực phía Bắc vừa phát triển chiều rộng vừa phát triển chiều sâu. Giai đoạn sau 2010, sẽ tập trung đầu tư chiều sâu, phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm nhằm cải thiện giá trị tăng thêm trong sản phẩm công nghiệp.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, hóa chất, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm xuất khẩu, các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao.

Phát triển có hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nghiên cứu xây dựng khu công nghệ cao.

3. Mục tiêu chủ yếu

- Giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 14-15%/ năm giai đoạn 2006-2020. Trong đó, giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 28%/năm, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 10-11% và giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6-7%.

- Duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp bình quân 14-15%/năm giai đoạn 2006-2020. Trong đó giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 16,3%/năm, giai đoạn 2011-2015 đạt 14,6%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 12,2%/năm.

- Tỷ trọng của công nghiệp và xây dựng trong GDP đến năm 2010 chiếm 65,5% (riêng công nghiệp chiếm 61-62%) và đến năm 2020 chiếm 55,5% (riêng công nghiệp chiếm 51-52%).

- Tốc độ đổi mới công nghệ ngành công nghiệp đạt trung bình 20% - 25%/năm.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50% vào năm 2010 và trên 70% vào năm 2020.

[...]