Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 01/2024/NQ-HĐTP
Ngày ban hành 16/05/2024
Ngày có hiệu lực 01/07/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hòa Bình
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2024/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TRONG GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình ngày 19 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình;

Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.

Điều 2. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình

1. “Đang có thai” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.

2. “Sinh con” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;

b) Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;

c) Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.

3. Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này hoặc ngày đình chỉ thai nghén hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

5. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

6. Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau:

a) Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

b) Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Điều 3. Thuận tình ly hôn quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình

1. “Vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn” quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp vợ chồng cùng ký vào đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn hoặc một bên có đơn khởi kiện ly hôn, còn bên kia đồng ý ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

2. Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

[...]