NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH
TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ HAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng
11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy
ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 21/2007/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2007 của Thủ
tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
thành phố Cần Thơ thời kỳ 2006 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng
Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày
17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần
Thơ giai đoạn 2009 - 2015;
Theo Tờ trình số 22/TTr-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân
dân thành phố Cần Thơ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 29/2005/NQ-HĐND
ngày 14 tháng 7 năm 2005 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua Quy
hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ thời kỳ đến năm
2020;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách và ý kiến thảo
luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Thông qua điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh
tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với các nội
dung chính sau:
A. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành
phố Cần Thơ đến năm 2020
1. Quan điểm phát triển
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
thành phố theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn đến năm 2020 và theo
hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn sau
năm 2020; hướng vào những điều kiện tiên quyết tạo thế và lực cho phát triển (kết cấu hạ tầng then chốt, lĩnh vực
và sản phẩm chủ lực, công nghệ và nhân lực). Cơ cấu kinh tế tạo tăng trưởng nhanh, ổn định trong thời gian dài, bền vững,
đem lại công bằng, tiến bộ xã hội.
- Đầu tư phát triển kinh tế cả chiều rộng và chiều sâu, chủ
yếu là chiều sâu. Đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực mà thành phố có lợi
thế cạnh tranh như du lịch, dịch vụ, công nghiệp với hàm lượng khoa học công
nghệ cao; các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chất lượng cao...
- Huy động sức mạnh tổng hợp của thành phố, sự hỗ trợ của Trung
ương, các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy
nhanh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong đó nội lực là nhân tố
quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng.
- Gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố
với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của
vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; coi xây dựng và phát triển thành phố
Cần Thơ là một động lực thúc đẩy phát triển các vùng trên.
- Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và phát triển các
lĩnh vực xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng
nông thôn mới, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa khu vực đô thị và nông thôn.
- Gắn kết chặt chẽ giữa phát
triển kinh tế - xã hội với xây dựng và quản lý đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng văn minh đô thị.
- Phát triển bền vững, gắn kết giữa phát triển kinh tế với sử
dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh. Bảo đảm ổn
định vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Tạo bước chuyển biến mới rõ rệt về quản lý trật tự, an toàn xã hội, nếp sống đô
thị, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát:
Xây dựng Cần Thơ trở thành thành
phố văn minh, hiện đại, mang đặc trưng sông nước, miệt vườn,
cơ bản trở thành Thành phố công nghiệp trước năm 2020; là trung tâm kinh tế - xã hội, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học -
công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, thể thao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là đầu mối quan
trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm
giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước; là một cực phát triển, đóng
vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
b) Các mục tiêu cụ thể:
- Về kinh tế:
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 16%/năm
giai đoạn 2011 - 2015, trong đó khu vực dịch vụ tăng 17%/năm, công nghiệp, xây
dựng tăng 17,5%/năm, nông nghiệp tăng
2,7%/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15%/năm giai đoạn 2016 -
2020, trong đó khu vực dịch vụ tăng
15,3%/năm, công nghiệp, xây dựng tăng 16%/năm, nông nghiệp tăng 2,5%/năm.
+ Cơ cấu
kinh tế đến năm 2015: tỷ trọng khu vực dịch vụ 47,1%, công nghiệp, xây dựng 47%, nông nghiệp 5,9%; cơ cấu kinh tế đến năm
2020: tỷ trọng khu vực dịch vụ 47,9%, công nghiệp, xây dựng 48,8%, nông nghiệp
3,3%.
+ GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 3.200 USD, năm
2020 đạt 6.480 USD.
+ Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu bình quân 16,8%/năm giai đoạn
2011 - 2015 và đạt 16,1%/năm giai đoạn 2016 - 2020.
+ Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đến năm 2015 đạt
1.430 USD, năm 2020 đạt 2.640 USD.
+ Tỷ lệ huy động vào ngân sách
nhà nước từ GDP đạt khoảng 10 - 11% giai đoạn 2011 - 2015
và khoảng 12 - 13% giai đoạn 2016 - 2020.
- Về xã hội và môi trường:
+ Quy mô dân số thành phố đến năm 2015 khoảng 1,4 triệu người,
đến năm 2020 khoảng 1,6 triệu người.
+ Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân khoảng 9,76‰/năm giai
đoạn 2011 - 2015 và 9,42‰/năm giai đoạn 2016 - 2020.
+ Số giường bệnh/vạn dân đến
năm 2015 đạt 30 giường, đến năm 2020 khoảng 34 - 35 giường.
+ Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến năm 2015 dưới 12,8%,
đến năm 2020 dưới 10%.
+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc
gia đến năm 2015: Mầm non 50%, tiểu học 60%, trung học cơ
sở 50%, trung học phổ thông 33%; đến năm 2020: Mầm non 80%, tiểu học 90 - 100%,
trung học cơ sở 80%, trung học phổ thông 60%.
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt trên 65%, năm
2020 khoảng 75 - 80%.
+ Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2015 đạt 70%, đến năm 2020 đạt
73,5%.
+ Tỷ lệ dân số nông thôn được
cung cấp nước sạch tập trung đến năm 2015 đạt 60 - 65%, đến
năm 2020 đạt 80 - 85%.
+ Tỷ lệ số hộ được dùng điện đến năm 2015 đạt 100%.
+ Tỷ lệ rác thải được thu gom
và xử lý đến năm 2015 đạt 90%, đến năm 2020 đạt 100%.
+ Tỷ lệ nước thải được xử lý đến năm 2015 đạt 50 - 60%, đến
năm 2020 đạt 70 - 80%.
3. Các khâu đột phá
a) Tập trung hoàn chỉnh và hiện đại hoá
hệ thống kết cấu hạ tầng. Phối hợp với Trung ương sớm hoàn thành các
công trình lớn liên quan đến thành phố như tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, các tuyến đường đối ngoại
(Quốc lộ 91, cầu Vàm Cống kết nối vào tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi…), kênh đào Quan
Chánh Bố và luồng Định An vào cụm cảng Cần Thơ… Nâng cấp, hoàn thiện kết
cấu hạ tầng đô thị (mạng lưới giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải,
chất thải rắn…), hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu
đô thị mới…
b) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, coi đây là một trong các động lực
chủ yếu của phát triển. Nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo
lao động có chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đưa Cần Thơ trở thành Trung tâm cung cấp lao động có trình độ cao cho đồng bằng
sông Cửu Long, cả nước và hướng tới xuất khẩu
lao động trình độ cao. Chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia nhằm xây dựng tiềm
lực khoa học công nghệ của thành phố; xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức; phát triển đào tạo theo các cấp học, đào tạo nghề tầm cỡ
cấp vùng.
c) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành
chính, hoàn thiện thể chế, hiện đại hóa nền hành chính. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mạnh
đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
B. Tầm nhìn phát triển thành phố đến năm
2030
1. Thành phố Cần
Thơ được xây dựng và phát triển xứng đáng là đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng
sông Cửu Long. Là đô thị hạt nhân gắn với dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp
công nghệ cao của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
2. Vào năm 2030, Cần Thơ sẽ là
một đô thị văn minh, tổ chức xã hội với trình độ tiên tiến.
3. Cần Thơ sẽ là đô thị xanh, sạch, đẹp, hình thành các trục
kinh tế đô thị và các trục cảnh quan đô thị, có những kiến trúc đặc trưng của một
đô thị sông nước, miệt vườn, tiêu biểu cho bản sắc văn hoá của cả vùng Đồng bằng
sông Cửu Long.
4. Kinh tế của thành phố về cơ
bản là nền kinh tế tri thức, dựa vào các ngành có công nghệ cao, chất lượng cao; khoa học - công nghệ trở thành một trong những động
lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội
thành phố. Cơ cấu kinh tế với tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp
chiếm tỷ trọng trên 98%; thành phố là trung tâm du lịch, trung tâm giao thương
và phân phối hàng hóa; nông nghiệp đô thị
sinh thái, công nghệ cao. GDP bình quân đầu người đến năm 2030 trên 14
nghìn USD.
5. Là trung tâm dịch vụ lớn về
đào tạo, khoa học công nghệ, là trung tâm y tế chuyên sâu,
đảm nhận dịch vụ chữa bệnh chất lượng cao hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu
Long, cả nước và có uy tín trong khu vực.
6. Về phát triển đô thị và kết
cấu hạ tầng: Đến năm 2030, quy mô dân số toàn thành phố khoảng 1,9 - 2,0 triệu người, trong đó dân số nội
thành khoảng 1,6 triệu người. Kết cấu hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống giao thông kết nối ngoại
vùng, nội đô thuận lợi với nhiều loại
hình chuyên chở quy mô lớn; hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện,
cấp nước, thoát nước và các công
trình bảo vệ môi trường, các công sở, khu dân cư..., đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu ngày càng cao của
người dân thành phố.
7. Thành phố Cần Thơ sẽ là một đô thị sinh thái, có sự gắn kết
hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người trên một
không gian đô thị sông nước phát triển bền vững.
8. Là thành phố an toàn, thanh bình, cộng đồng gắn kết hài hòa
và thân thiện, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an
ninh được giữ vững.
C. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát
triển
Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm xây dựng cụ thể
trên cơ sở tuân thủ quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn đã được xác định.
Điều 2.
Giao Ủy
ban nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh các thủ tục
rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần
Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng
nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tăng cường giám sát việc thực
hiện Nghị quyết này.
Điều 3.
Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số
29/2005/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2005 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc
thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ thời
kỳ đến năm 2020
Nghị quyết này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày Hội đồng
nhân dân thành phố Cần Thơ khóa VIII, kỳ họp
thứ hai thông qua và được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại
chúng theo quy định của pháp luật./.