Nghị định thư liên quan đến thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa năm 1969

Số hiệu KhongSo
Ngày ban hành 27/06/1989
Ngày có hiệu lực 11/07/2006
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại,Sở hữu trí tuệ

NGHỊ ĐỊNH THƯ

LIÊN QUAN ĐẾN THỎA ƯỚC MADRID VỀ ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA
Thông qua tại Madrid ngày 27 tháng 6 năm 1989

 

Điều 1. Tư cách thành viên trong Liên hiệp Madrid

Các Nước tham gia Nghị định thư này (sau đây gọi là “các Nước thành viên”), kể cả những nước không tham gia Thỏa ước Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa được sửa đổi tại Stockholm năm 1967 và sửa đổi năm 1979 (sau đây gọi là “Thỏa ước Madrid (Stockholm)”), và các tổ chức được đề cập tại Điều 14 (1) (b) tham gia Nghị định thư này (sau đây gọi là “các Tổ chức thành viên”) sẽ là các thành viên của chính Liên hiệp mà các nước tham gia Thỏa ước Madrid (Stockholm) là thành viên. Trong Nghị định thư này, bất cứ sự đề cập nào đến “các Bên tham gia” sẽ được hiểu là đề cập đến cả các Nước thành viên và các Tổ chức thành viên.

Điều 2. Đạt được sự bảo hộ thông qua Đăng ký quốc tế

(1) Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp cho Cơ quan của một Bên tham gia, hoặc nếu nhãn hiệu đã được đăng ký trong Đăng bạ của Cơ quan của một Bên tham gia, người đứng tên trong đơn đó (sau đây gọi là “đơn cơ sở”) hoặc đăng ký đó (sau đây gọi là “đăng ký cơ sở”) có thể, theo các quy định của Nghị định thư này, đạt được sự bảo hộ đối với nhãn hiệu của mình trong lãnh thổ của các Bên tham gia, thông qua việc đăng ký nhãn hiệu đó trong Đăng bạ của Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (sau đây lần lượt gọi là “đăng ký quốc tế”, “Đăng bạ quốc tế”, “Văn phòng quốc tế” và “Tổ chức”), với điều kiện,

(i) Nếu đơn cơ sở đã được nộp cho Cơ quan của một Nước thành viên hoặc nếu đăng ký cơ sở đã được thực hiện bởi Cơ quan của một Nước thành viên, thì người đứng tên trong đơn hoặc đăng ký đó phải là công dân của Nước thành viên đó hoặc cư trú hoặc có cơ sở công nghiệp hoặc thương mại hoạt động thực sự tại Nước thành viên đó;

(ii) Nếu đơn cơ sở đã được nộp cho Cơ quan của một tổ chức thành viên hoặc đăng ký cơ sở đã được thực hiện bởi Cơ quan của một Tổ chức thành viên thì người đứng tên trong đơn hoặc đăng ký đó phải là công dân của một Nước thành viên của Tổ chức thành viên đó hoặc cư trú hoặc có cơ sở thương mại hoặc công nghiệp hoạt động thực sự trong lãnh thổ của Tổ chức thành viên đó.

(2) Đơn đăng ký quốc tế (sau đây gọi là “đơn quốc tế”) được nộp cho Văn phòng quốc tế thông qua trung gian là Cơ quan đã nhận đơn cơ sở hoặc đã cấp đăng ký cơ sở, tùy từng trường hợp (sau đây gọi là “Cơ quan xuất xứ”).

(3) Bất cứ sự đề cập nào đến một “Cơ quan” hoặc một “Cơ quan của một Bên tham gia” trong Nghị định thư này đều được hiểu là sự đề cập đến cơ quan có trách nhiệm thay mặt Bên tham gia đăng ký nhãn hiệu và bất cứ sự đề cập nào đến “nhãn hiệu” trong Nghị định thư này đều được hiểu là sự đề cập đến nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ.

(4) Nhằm mục đích của Nghị định thư này, “Lãnh thổ của một Bên tham gia” có nghĩa là lãnh thổ của một Nước nếu Bên tham gia là một Nước và lãnh thổ áp dụng hiệp ước thành lập tổ chức liên Chính phủ nếu Bên tham gia là một tổ chức liên Chính phủ.

Điều 3. Đơn quốc tế

(1) Mọi đơn quốc tế theo Nghị định thư này đều phải được làm theo mẫu quy định tại Quy chế. Cơ quan xuất xứ phải xác nhận rằng các thông tin trong đơn quốc tế tương ứng với các thông tin trong đơn cơ sở hoặc đăng ký cơ sở, tùy từng trường hợp, tại thời điểm xác nhận. Ngoài ra, Cơ quan đó phải nêu

(i) ngày nộp đơn và số đơn, đối với đơn cơ sở;

(ii) ngày đăng ký và số đăng ký cũng như ngày nộp đơn và số đơn đăng ký cơ sở, đối với đăng ký cơ sở.

Cơ quan xuất xứ cũng phải nêu ngày nộp đơn quốc tế.

(2) Người nộp đơn phải nêu hàng hóa và dịch vụ mà theo đó nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ và nếu có thể, phải nêu cả nhóm hoặc các nhóm tương ứng theo Bảng phân loại được thiết lập theo Thỏa ước Nice về phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu. Nếu người nộp đơn không nêu chỉ dẫn phân loại này thì Văn phòng quốc tế sẽ thực hiện việc phân loại hàng hóa và dịch vụ vào các nhóm phù hợp của Bảng phân loại nêu trên. Việc chỉ dẫn các nhóm hàng hóa của người nộp đơn sẽ được Văn phòng quốc tế phối hợp với Cơ quan xuất xứ kiểm tra. Trong trường hợp có sự bất đồng giữa Cơ quan xuất xứ và Văn phòng quốc tế thì quan điểm của Văn phòng quốc tế sẽ được ưu thắng.

(3) Nếu người nộp đơn yêu cầu bảo hộ màu sắc như đặc điểm phân biệt của nhãn hiệu thì người đó phải

(i) tuyên bố về điều đó, và nộp cùng với đơn quốc tế một thông báo chỉ rõ màu sắc hoặc tập hợp màn sắc cần được bảo hộ;

(ii) nộp kèm theo đơn quốc tế mẫu nhãn hiệu đó dưới dạng mầu, mẫu này sẽ được kèm theo thông báo của Văn phòng quốc tế; số lượng mẫu nhãn hiệu được ấn định tại Quy chế.

(4) Văn phòng quốc tế sẽ đăng ký ngay những nhãn hiệu được nộp theo Điều 2. Ngày đăng ký quốc tế sẽ là ngày Cơ quan xuất xứ nhận được đơn quốc tế, với điều kiện Văn phòng quốc tế nhận được đơn quốc tế đó trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày đó. Nếu Văn phòng quốc tế không nhận được đơn quốc tế trong thời hạn đó, ngày đăng ký quốc tế sẽ là ngày Văn phòng quốc tế nhận được đơn quốc tế đó. Văn phòng quốc tế sẽ không chậm trễ thông báo về đơn quốc tế đó cho các Cơ quan có liên quan. Nhãn hiệu được đăng ký trong Đăng bạ quốc tế sẽ được công bố trên công báo định kỳ do Văn phòng quốc tế phát hành, trên cơ sở các thông tin trong đơn quốc tế.

(5) Nhằm mục đích công bố các nhãn hiệu đã được đăng ký trong Đăng bạ quốc tế, mỗi Cơ quan sẽ được nhận từ Văn phòng quốc tế một số bản công báo miễn phí và một số bản công báo được giảm giá, theo những điều kiện do Đại hội đồng nêu tại Điều 10 (sau đây gọi là “Đại hội đồng”) quy định. Công bố này được coi là đủ đối với các mục đích của tất cả các Bên tham gia, và không được yêu cầu bất cứ sự công bố nào khác đối với chủ sở hữu đăng ký quốc tế.

Điều 3bis. Hiệu lực theo lãnh thổ

Sự bảo hộ đạt được từ đăng ký quốc tế sẽ chỉ được mở rộng tới Bên tham gia nào mà người nộp đơn quốc tế hoặc chủ sở hữu đăng ký quốc tế yêu cầu. Tuy nhiên, không được yêu cầu đối với Bên tham gia mà Cơ quan của Bên tham gia đó là Cơ quan xuất xứ.

Điều 3 ter. Yêu cầu “Mở rộng lãnh thổ”

(1) Mọi yêu cầu mở rộng lãnh thổ bảo hộ theo đăng ký quốc tế tới bất cứ Bên tham gia nào phải được đề cập cụ thể trong đơn quốc tế.

(2) Yêu cầu mở rộng lãnh thổ bảo hộ cũng có thể được thực hiện sau khi đăng ký quốc tế. Mọi yêu cầu như vậy phải được làm theo mẫu quy định tại Quy chế. Văn phòng quốc tế sẽ lập tức ghi nhận yêu cầu đó và không chậm trễ thông báo về việc ghi nhận đó cho Cơ quan hoặc các Cơ quan liên quan. Việc ghi nhận đó sẽ được công bố trong công báo định kỳ của Văn phòng quốc tế. Sự mở rộng lãnh thổ bảo hộ đó sẽ có hiệu quả kể từ ngày được ghi nhận trong Đăng bạ quốc tế; sự mở rộng đó sẽ hết hiệu lực khi đăng ký quốc tế liên quan hết hiệu lực.

Điều 4. Hiệu lực của Đăng ký quốc tế

(1) (a) Kể từ ngày việc đăng ký hoặc việc ghi nhận được thực hiện theo quy định tại Điều 3 và 3ter, sự bảo hộ đối với nhãn hiệu tại mỗi Bên tham gia liên quan sẽ y như thể đối với nhãn hiệu được nộp đơn đăng ký trực tiếp với Cơ quan của Bên tham gia đó. Nếu không có bất cứ thông báo từ chối nào được gửi cho Văn phòng quốc tế theo Điều 5(1) và (2) hoặc nếu thông báo từ chối đã gửi theo quy định tại Điều đó bị rút bỏ sau đó thì kể từ ngày nói trên, sự bảo hộ nhãn hiệu đó tại Bên tham gia liên quan sẽ y như thể nhãn hiệu được đăng ký bởi Cơ quan của Bên tham gia đó.

[...]