Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 27/06/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Thương mại

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:  …  /2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày  … tháng … năm 2024

DỰ THẢO 3 (27/6/2024)
Tài liệu phục vụ thẩm định

 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ KINH DOANH XĂNG DẦU

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam.

Nghị định này không áp dụng đối với trường hợp nhập khẩu xăng dầu để pha chế, chạy thử, không kinh doanh thương mại, với số lượng không quá 500 lít hoặc kg/tháng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thương nhân kinh doanh xăng dầu theo quy định của Luật Thương mại.

2. Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xăng dầu là tên chung để chỉ các sản phẩm của quá trình công nghệ chưng cất, chế biến dầu thô, chất thải và các nguyên vật liệu khác để tạo ra các sản phẩm dùng làm nhiên liệu, bao gồm: xăng, nhiên liệu điêzen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu hàng không, nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu, không bao gồm khí các loại.

2. Kinh doanh xăng dầu bao gồm các hoạt động: Xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gia công xăng dầu xuất khẩu; sản xuất và pha chế xăng dầu; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước.

3. Kinh doanh dịch vụ xăng dầu bao gồm các hoạt động: Kinh doanh dịch vụ cho thuê kho, bồn, bể tiếp nhận xăng dầu, cảng chuyên dụng tiếp nhận xăng dầu, cho thuê phương tiện vận tải xăng dầu, cho thuê phương tiện và trang thiết bị tra nạp nhiên liệu hàng không; dịch vụ tiếp nhận, bảo quản, bơm rót, vận chuyển xăng dầu, dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không.

4. Sản xuất xăng dầu là quá trình công nghệ chưng cất, chế biến dầu thô, sản phẩm xăng dầu, bán thành phẩm xăng dầu, chất thải và các nguyên vật liệu khác thành các sản phẩm xăng dầu.

5. Pha chế xăng dầu là quá trình trộn sản phẩm, bán thành phẩm xăng dầu, phụ gia và các chế phẩm khác để chuyển hóa thành sản phẩm xăng dầu.

6. Cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh xăng dầu bao gồm: Cảng chuyên dụng; nhà máy sản xuất; xưởng pha chế; kho, bồn, bể tiếp nhận xăng dầu; phòng thử nghiệm; cửa hàng bán lẻ xăng dầu; điểm bán xăng dầu với thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ; phương tiện vận tải xăng dầu; phương tiện và trang thiết bị tra nạp nhiên liệu hàng không.

7. Nguyên liệu để sản xuất và pha chế xăng dầu bao gồm: Dầu thô, sản phẩm, bán thành phẩm xăng dầu, phụ gia và các chế phẩm khác.

8. Giá xăng dầu thế giới là giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế do Bộ Công Thương xác định và công bố.

9. Giá bán lẻ xăng dầu là giá bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

10. Thương nhân kinh doanh xăng dầu bao gồm:

[...]