Dự thảo Nghị định hướng dẫn về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 30/09/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Giáo dục

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:        /2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày       tháng       năm 2024

DỰ THẢO

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ LIÊN THÔNG GIỮA CÁC CẤP HỌC, TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14  tháng 6  năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân;

CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm mục đích và nguyên tắc liên thông, chương trình giáo dục liên thông, tổ chức tuyển sinh, giáo dục và đào tạo liên thông; quy định chi tiết về liên thông giữa trình độ trung cấp với cấp trung học phổ thông và giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học.

2. Liên thông giữa các cấp học phổ thông, liên thông giữa các trình độ của giáo dục đại học và liên thông giữa cấp trung học phổ thông với trình độ đại học được thực hiện theo các quy định liên quan do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Liên thông giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo các quy định liên quan do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành.

3. Nghị định này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục, người học, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan tới các cấp học, trình độ đào tạo thuộc phạm vi điều chỉnh được quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công nhận kết quả học tập là việc một cơ sở giáo dục xem xét và chấp nhận những kiến thức, kỹ năng và năng lực mà người học đã đạt được từ các khóa học hoặc chương trình giáo dục trước, và chuyển đổi những kết quả này sang các nội dung tương ứng trong chương trình giáo dục khác.

2. Học liên thông là việc người học theo học một chương trình giáo dục trên cơ sở sử dụng kết quả học tập được công nhận, qua đó có thể rút ngắn khối lượng và thời gian học tập cần thiết để hoàn thành chương trình.

3. Giáo dục liên thông là việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở một cấp học, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu học liên thông từ các cấp học, trình độ đào tạo khác. Đào tạo liên thông là giáo dục liên thông ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

4. Chương trình giáo dục liên thông là chương trình giáo dục được thiết kế để thực hiện giáo dục, đào tạo liên thông ở một cấp học, trình độ đào tạo. Chương trình đào tạo liên thông là chương trình giáo dục liên thông ở một trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

5. Tuyển sinh liên thông là việc tổ chức tuyển sinh để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo liên thông.

Điều 3. Mục đích liên thông

1. Tạo điều kiện thuận lợi cho người học ở mọi lứa tuổi lựa chọn con đường học tập nâng cao trình độ, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân, đáp ứng yêu cầu thay đổi của công việc và nghề nghiệp.

2. Thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, hiện đại hóa chương trình, phương thức giáo dục và đào tạo, góp phần điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

3. Hình thành một hệ thống giáo dục thống nhất, linh hoạt và hiệu quả, tăng cường kết nối và phối hợp giữa các cấp học giáo dục phổ thông, các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Điều 4. Nguyên tắc liên thông

Việc thiết kế chương trình, tổ chức tuyển sinh và giáo dục, đào tạo liên thông phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

1. Linh hoạt và hiệu quả: Người học được lựa chọn lộ trình, hình thức và thời gian học tập phù hợp nhất với trình độ, năng lực và điều kiện cá nhân; không phải học lại những kiến thức, kỹ năng đã có.

2. Công bằng và chất lượng: Tất cả người học được tạo cơ hội học tập và đánh giá kết quả học tập công bằng dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng chung của chương trình giáo dục.

3. Đáp ứng nhu cầu xã hội: Giáo dục và đào tạo liên thông để đáp ứng nhu cầu của người học, đồng thời phải căn cứ nhu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế - xã hội, định hướng phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

[...]