Nghị định 88-HĐBT năm 1985 về kiện toàn tổ chức của ngành văn hoá do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 88-HĐBT
Ngày ban hành 27/03/1985
Ngày có hiệu lực 11/04/1985
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88-HĐBT

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1985

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 88-HĐBT NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 1985 VỀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC CỦA NGÀNH VĂN HOÁ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VII đổi Bộ Văn hoá và Thông tin thành Bộ Văn hoá,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Bộ Văn hoá là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm thống nhất quản lý công tác văn hoá trong cả nước theo đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước nhằm không ngừng nâng cao đời sống văn hoá và tinh thần của nhân dân các dân tộc cùng với các ngành có liên quan từng bước xây dựng và phát triển nền văn hoá mới có nội dung XHCN và tính chất dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân; góp phần tuyên tryền sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống những biểu hiện không lành mạnh trong đời sống văn hoá; nâng cao kiến thức về mọi mặt cho nhân dân bằng các hoạt động văn hoá, tiếp thu có chọn lọc vốn văn hoá cổ truyền của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá tiến bộ của loài người.

Điều 2.- Bộ Văn hoá có những nhiệm vụ chính thức như sau:

1. Nghiên cứu phương hướng xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá trong cả nước bao gồm các lĩnh vực văn hoá quần chúng, thư viện, bảo tồn bảo tàng, nghệ thuật sân khấu, ca, múa, nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, xuất bản, báo chí, in, phát hành sách và công tác tuyên truyền cổ động; xây dựng quy hoạch phát triển ngành, hướng dẫn các địa phương xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm về phát triển văn hoá và tổng hợp trình Chính phủ xét duyệt; đôn đốc và kiểm tra thực hiện những kế hoạch đó.

2. Sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến những di sản văn hoá, nghệ thuật của các dân tộc anh em trong cả nước, và những thành tựu mới của các ngành văn hoá, nghệ thuật, những thành tựu văn hoá thế giới; đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình văn hoá, nghệ thuật.

3. Tổ chức chỉ đạo sáng tác, biểu diễn, xuất bản, phát hành các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật; đồng thời phát động quần chúng tham gia rộng rãi các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin, đáp ứng ngày càng cao các nhu cầu về văn hoá của nhân dân.

4. Tổ chức và chỉ đạo công tác thông tin cổ động và triển lãm nhằm phổ biến kịp thời chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, tuyên truyền rộng rãi những thành tựu kinh tế - văn hoá, động viên quần chúng thực hiện tốt mọi chính sách của Đảng và Nhà nước.

5. Xây dựng và trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành những luật lệ, chính sách, chế độ bảo đảm các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin, cổ động đi đúng đường lối của Đảng và Nhà nước; bảo đảm quyền làm chủ tập thể về văn hoá của nhân dân; động viên nhân dân tham gia sáng tạo và hoạt động văn hoá, nghệ thuật và thông tin.

6. Tổ chức và chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành văn hoá, thông tin, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng văn nghệ sĩ trẻ.

7. Quản lý các đơn vị trực thuộc bộ về tổ chức, cán bộ, biên chế, tài sản, tài chính,v.v... theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 3.- Tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá gồm có:

Các vụ, ban:

- Văn phòng Bộ,

- Vụ Tổ chức cán bộ,

- Vụ Kế hoạch,

- Vụ Tài chính - Kế toán,

- Vụ Hợp tác quốc tế,

- Vụ Đào tạo,

- Ban thanh tra và pháp chế.

Các Cục, Viện, trường:

- Cục Văn hoá quần chúng,

- Cục Thông tin - cổ động,

- Cục Triển lãm,

- Cục Điện ảnh (quản lý ngành điện ảnh trong cả nước, đồng thời hoạt động theo phương thức của một Liên hiệp các xí nghiệp điện ảnh toàn quốc).

[...]