Nghị định 87/2009/NĐ-CP về vận tải đa phương thức

Số hiệu 87/2009/NĐ-CP
Ngày ban hành 19/10/2009
Ngày có hiệu lực 15/12/2009
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xuất nhập khẩu,Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 87/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về hoạt động vận tải đa phương thức bao gồm vận tải đa phương thức quốc tế và vận tải đa phương thức nội địa.

2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức bao gồm: doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật về hợp tác xã của Việt Nam; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải đa phương thức.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Vận tải đa phương thức” là việc vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở hợp đồng vận tải đa phương thức.

2. “Vận tải đa phương thức quốc tế” là vận tải đa phương thức từ nơi người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hóa ở Việt Nam đến một địa điểm được chỉ định giao trả hàng ở nước khác và ngược lại.

3. “Vận tải đa phương thức nội địa” là vận tải đa phương thức được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

4. “Người kinh doanh vận tải đa phương thức” là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giao kết và tự chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức.

5. “Hợp đồng vận tải đa phương thức” là hợp đồng được giao kết giữa người gửi hàng và người kinh doanh vận tải đa phương thức, theo đó người kinh doanh vận tải đa phương thức đảm nhận thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa để thu tiền cước cho toàn bộ quá trình vận chuyển, từ địa điểm nhận hàng đến địa điểm trả hàng cho người nhận hàng.

6. “Chứng từ vận tải đa phương thức” là văn bản do người kinh doanh vận tải đa phương thức phát hành, là bằng chứng của hợp đồng vận tải đa phương thức, xác nhận người kinh doanh vận tải đa phương thức đã nhận hàng để vận chuyển và cam kết giao hàng đó theo đúng những điều khoản của hợp đồng đã ký kết.

7. “Người vận chuyển” là tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc cam kết thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc vận chuyển dù người đó là người kinh doanh vận tải đa phương thức hay không phải là người kinh doanh vận tải đa phương thức.

8. “Người gửi hàng” là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng vận tải đa phương thức với người kinh doanh vận tải đa phương thức.

9. “Người nhận hàng” là tổ chức, cá nhân được quyền nhận hàng hóa từ người kinh doanh vận tải đa phương thức.

10. “Tiếp nhận hàng” là việc hàng hóa đã thực sự được giao cho người kinh doanh vận tải đa phương thức từ người gửi hàng hoặc từ người được người gửi hàng ủy quyền và được người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận để vận chuyển.

11. “Giao trả hàng” là một trong các trường hợp sau đây:

a) Việc giao trả hàng hóa cho người nhận hàng;

b) Hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người nhận hàng phù hợp với quy định của hợp đồng vận tải đa phương thức hoặc quy định của pháp luật hoặc tập quán thương mại áp dụng tại nơi giao trả hàng;

c) Việc giao hàng hóa cho một nhà chức trách hoặc một bên thứ ba khác mà theo quy định của pháp luật áp dụng tại nơi giao trả hàng thì hàng hóa phải được giao như vậy.

12. “Hàng hóa” là bất cứ tài sản nào (trừ bất động sản) kể cả công-te-nơ, cao bản hoặc các công cụ vận chuyển, đóng gói tương tự khác mà không do người kinh doanh vận tải đa phương thức cung cấp.

13. “Văn bản” là một trong các hình thức sau: điện tín, telex, fax hoặc bất cứ hình thức nào khác được in ấn, ghi lại.

[...]