Nghị định 81-CP Hướng dẫn Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân

Số hiệu 81-CP
Ngày ban hành 01/08/1994
Ngày có hiệu lực 01/08/1994
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 81-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 1994

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 81-CP NGÀY 1-8-1994 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ vào Điều 79 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994. Nghị định này quy định chi tiết thi hành Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi),

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Nắm vững bốn nguyên tắc cơ bản của việc bầu cử là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; là cơ sở bảo đảm quyền tự do dân chủ, bình đẳng của mọi người dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong mỗi cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Điều 2.- Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều được quyền bầu cử, đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân. Cách tính tuổi bầu cử và ứng cử theo quy định trong Điều 2 của Luật. Tính từ ngày 20 tháng 11 năm 1994 trở về trước, công dân có đủ 18 tuổi trở lên thì có quyền bầu cử, có đủ 21 tuổi trở lên thì có quyền ứng cử, mỗi tuổi tròn hay 365 ngày.

Điều 3.- Công dân được sử dụng quyền bầu cử và ứng cử vào Hội đồng nhân dân không phân biệt về thời hạn cư trú nhưng phải chú ý việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở các cấp theo quy định sau:

a) Đối với Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn: Người cư trú thường xuyên có quyền lợi gắn bó với địa phương; nếu mới di chuyển đến địa phương, phải hoàn tất thủ tục nhập khẩu hoặc có giấy giới thiệu chuyển đến cư trú làm ăn sinh sống tại địa phương mới có quyền bầu cử và ứng cử.

b) Đối với việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và tương đương: Việc công dân di chuyển nơi cư trú trong phạm vi một huyện thì không phân biệt thời hạn cư trú đều có quyền bầu cử và ứng cử. Nếu di chuyển tới huyện khác phải có giấy tờ di chuyển chính thức mới được quyền bầu cử và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu đến với mục đích thăm hỏi người thân, khi bầu cử phải trở về huyện cư trú để bầu cử.

c) Đối với việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh không phân biệt thời hạn cư trú trong phạm vi một tỉnh; người ngoài tỉnh phải có giấy tờ di chuyển chính thức đến làm ăn thì có quyền bầu cử, ứng cử; nếu tạm trú có thời hạn với mục đích thăm hỏi, khi bầu cử phải trở về nơi cư trú chính thức để bầu cử.

d) Đối với các đơn vị cơ động quân đội nhân dân do yêu cầu nhiệm vụ mà di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác thì tuỳ theo điều kiện cụ thể mà có thể tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Điều 4.- Nắm vững tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân để lựa chọn người có năng lực và đạo đức bầu người thay mặt mình làm đại biểu Hội đồng nhân dân là điều có tính then chốt trong việc tham gia bầu cử của cử tri. Cần đảm bảo tiêu chuẩn và cơ cấu cần thiết, không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn hoặc ngược lại.

Chương 2:

SỐ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ĐƠN VỊ BẦU CỬ VÀ KHU VỰC BỎ PHIẾU

Điều 5.- Việc tính số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cụ thể như sau:

a) Cần lấy số lượng về dân số của địa phương đã được Tổng cục Thống kê Trung ương tính tháng 12 năm 1993 để làm căn cứ tính thống nhất trong cả nước.

b) Khi đã có dân số của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, căn cứ vào quy định tại Điều 9 của Luật Bầu cử để tính số đại biểu được bầu cho cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Điều 6.-

Việc tính số lượng đơn vị bầu cử ở cấp bầu cử.

a) Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì đơn vị bầu cử được tổ chức ở một huyện hoặc liên huyện.

b) Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện thì đơn vị bầu cử được tổ chức ở một xã hoặc liên xã.

c) Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thì đơn vị bầu cử sẽ được tổ chức ở một thôn, ấp, bản, xóm, hoặc liên thôn, ấp, bản, xóm.

Để xác định số đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị của từng cấp Hội đồng nhân dân phải tính số bình quân mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó đại diện cho bao nhiêu người.

Điều 7.-

Phân định khu vực bỏ phiếu.

[...]