Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Nghị định 519-TTg năm 1957 về qui định thể lệ bảo tồn cổ tích do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 519-TTg
Ngày ban hành 29/10/1957
Ngày có hiệu lực 13/11/1957
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 519-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 1957

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH THỂ LỆ VỀ BẢO TỒN CỔ TÍCH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của Bộ Văn hoá

NGHỊ ĐỊNH

MỤC I. ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1: Tất cả những bất động sản và động sản có một giá trị lịch sử, hay nghệ thuật (kể cả bất động sản và động sản còn nằm ở dưới đất hay dưới nước và những danh lam thắng cảnh (danh thắng) ở trên lãnh thổ nước Việt Nam bất cứ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, một đơn vị hành chính, một cơ quan, một đoàn thể, hoặc một tư nhân, từ nay đều đặt dưới chế độ bảo vệ của Nhà nước quy định trong Nghị định này.

MỤC II. LIỆT HẠNG

Điều 2: Những bất động sản, động sản và danh lam thắng cảnh thuộc các loại nói ở Điều 1 mà hiện nay đã tìm thấy thì bất cứ là thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, của một đơn vị hành chính, một cơ quan, một đoàn thể, một tư nhân đều phải được đăng ký liệt hạng theo thể thức quy định trong mục này.

Điều 3: Bất động sản liệt hạng gồm những di tích có giá trị lịch sử, nghệ thuật hoặc những thắng cảnh như chùa, đền, đình, miếu, lâu đài, cung điện, nhà thờ, thành luỹ, đồn ải, lăng mộ cổ, nhà cửa, vườn tược, hang động, rừng núi, khu đất, khu núi đá, khúc sông, khu vực biển, vịnh cùng các vật phụ thuộc vào những bất động sản liệt hạng như bia, tượng, mộ, tháp, đá tạc, cây cổ thụ...

Điều 4: Tuỳ theo giá trị của di tích và danh thắng, những bất động sản liệt hạng phân làm ba loại:

Loại A: Do Bộ Văn hoá phụ trách các việc đăng ký, xử lý (quy định thể lệ sử dụng, cho phép sử dụng, v.v...) và bảo quản.

Loại B: Do Uỷ ban hành chính , khu, tỉnh phụ trách các việc đăng ký, xử lý và bảo quản.

Loại C: Do nhân dân (đoàn thể hay tư nhân) sử dụng và bảo quản, dưới sự hướng dẫn của cơ quan phụ trách đăng ký, theo dõi, và hướng dẫn bảo quản. Tuỳ từng bất động sản, việc đăng ký, theo dõi và hướng dẫn bảo quản giao cho Sở, Phòng, Ty Văn hoá địa phương hoặc cơ quan Bảo tồn bảo tàng thuộc Bộ Văn hoá phụ trách.

Điều 5: Động sản liệt hạng gồm những di vật có giá trị lịch sử hoặc nghệ thuật lâu đời (kể cả những động sản có liên quan đến các phong trào cách mạng và kháng chiến) như các loại sau đây:

a) Những vết tích còn nguyên hay đã biến ra đá của sinh vật, thực vật cổ, những đồ dùng của loài người trước khi có sử.

b) Dụng cụ sản xuất bằng đá, đồng, sắt, gỗ, tre, nứa, các phương tiện vận tải, các đồ nấu bếp bằng gốm, sành, sứ, đồng thau... và các đồ dùng khác trong nhà đã lâu đời hoặc có nghệ thuật khéo.

c) Sản phẩm nghệ thuật lâu đời như tranh vẽ, hình khắc, tượng, vật liệu kiến trúc cổ, đồ mỹ nghệ cũ.

d) Các loại sách vở in hoặc viết bằng bất cứ thứ chữ nào, có giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, y thuật, nghề nghiệp; các tài liệu, các văn tự cũ; các đồ văn phòng, ấn loát, lễ giáo, trang phục, ca nhạc, du hý đã lâu đời.

đ) Cân, đấu, thước đo và các thứ tiền tệ cũ như bạc nén, vàng thỏi hoặc những vật khác gì trước kia dùng làm tiền.

e) Binh khí, đồ dùng để thi hành các hình phạt thời trước.

g) Những tài liệu, văn tự, những vật liệu cách mạng và kháng chiến.

h) Những di vật của các danh nhân, các lãnh tụ cách mạng.

Điều 6: Việc liệt hạng những bất động sản, động sản và những danh lam thắng cảnh, do Bộ Văn hoá quyết định sau khi đã nghiên cứu và hỏi ý kiến của Hội đồng nghiên cứu di tích lịch sử. Nếu là động sản thuộc quyền sở hữu của một tư nhân hay một đoàn thể thì phải được sự thoả thuận của người chủ (cá nhân hoặc tập thể) rồi mới liệt hạng.

Điều 7: Việc liệt hạng có hiệu lực, kể từ ngày Uỷ ban hành chính xã hay khu phố nơi có bất động sản hoặc động sản liệt hạng nhận được thông báo về nghị định liệt hạng. Nếu bất động sản và động sản liệt hạng là của tư thì liệt hạng sẽ thông báo giấy tờ cho người chủ hay người quản lý biết.

Các nghị định liệt hạng đều được đăng trên Công báo.

Trên những bất động sản liệt hạng có viết bảng chỉ rõ vị trí và ranh giới để nhân dân và chính quyền địa phương biết mà trông nom giữ gìn, nhất thiết không để một tư nhân, một đoàn thể hay một cơ quan nào chiếm cứ, xâm lấn, phá phách.

Điều 8: Nếu bất động sản hoặc động sản liệt hạng là của tư (cá nhân hay tập thể), thì người chủ có quyền nhượng bán, đổi chác hoặc truyền lại cho con cháu khi chia gia tài bất động sản hay động sản ấy. Khi nhượng bán, đổi chác hoặc chia gia tài động sản hay bất động sản liệt hạng, thì người chủ phải tuân theo những điều quy định sau đây:

[...]