Nghị định 436-HĐBT năm 1990 quy định tổ chức bộ máy Trọng tài kinh tế các cấp và chế độ đối với trọng tài viên do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 436-HĐBT
Ngày ban hành 22/12/1990
Ngày có hiệu lực 22/12/1990
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Thương mại,Dịch vụ pháp lý

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 436-HĐBT

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1990

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 436-HĐBT NGÀY 22-12-1990 QUI ĐỊNH TỔ CHỨC BỘ MÁY TRỌNG TÀI KINH TẾ CÁC CẤP VÀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI TRỌNG TÀI VIÊN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp Lệnh Trọng Tài kinh tế ngày 10 tháng 1 năm 1990;
Xét đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.

Để bảo đảm cho cơ quan Trọng Tài kinh tế các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trọng Tài kinh tế quy định ở Pháp lệnh Trọng tài kinh tế ngày 10 tháng 1 năm 1990, nay qui định tổ chức bộ máy của Trọng tài kinh tế các cấp như sau:

A- Tổ chức bộ máy của Trọng tài kinh tế Nhà nước gồm có:

1. Vụ xét xử.

2. Vụ Giám sát và xét kháng cáo.

3. Vụ pháp luật.

4. Thanh tra Trọng tài kinh tế Nhà nước.

5. Vụ Tổ chức cán bộ.

6. Văn phòng.

7. Trường cán bộ trọng tài kinh tế (làm nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ).

Các tổ chức khác do Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước quyết định sau khi thoả thuận với Ban Tổ chức - cán bộ của Chính phủ.

Nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế của các tổ chức nói trên do Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước quyết định theo tổng biên chế được Hội đồng Bộ trưởng giao.

B- Tổ chức bộ máy của Trọng tài kinh tế tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh căn cứ vào khối lượng công việc và biên chế được giao mà quyết định thành lập các phòng hay tổ để chuyên trách các mặt công tác: giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế; xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế; giám sát và xét kháng cáo, tổng hợp, hành chính quản trị.

C- Tổ chức bộ máy của Trọng tài kinh tế huyện được thành lập ở những huyện, quận và cấp tương đương có sản xuất hàng hoá phát triển có nhiều tranh chấp hợp đồng kinh tế do Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước sau khi thống nhất với Trưởng ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ, quy định cụ thể những huyện, quận và cấp tương đương được thành lập tổ chức Trọng tài kinh tế.

Điều 2.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trọng tài viên Trọng tài kinh tế các cấp qui định như sau:

A- Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm và miễn nhiệm, Phó Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước, Trọng tài viên Trọng tài kinh tế Nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước.

B- Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh bổ nhiệm và miễn nhiệm sau khi thoả thuận với Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước; Phó Chủ tịch và các Trọng tài viên do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh.

C- Chủ tịch Trọng tài kinh tế huyện do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện bổ nhiệm và miễn nhiệm sau khi thoả thuận với Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh.

Phó Chủ tịch và Trọng tài viên do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế huyện.

Nếu trọng tài viên có sai phạm nghiêm trọng thì Chủ tịch Trọng tài kinh tế có quyền tạm thời đình chỉ công tác và đề nghị cấp đã quyết định bổ nhiệm trọng tài viên đó quyết định xử lý kỷ luật.

Điều 3. Trọng tài kinh tế các cấp có con dấu, tài khoản và kinh phí riêng.

Điều 4. Trọng tài kinh tế Nhà nước, Trọng tài kinh tế tỉnh được thành lập Hội đồng Trọng tài viên gồm có Chủ tịch Trọng tài, các Phó Chủ tịch trọng tài và một số Trọng tài viên do Chủ tịch Trọng tài kinh tế chỉ định. Nhiệm vụ của hội đồng Trọng tài viên mỗi cấp thực hiện theo điều 14 và điều 17 của Pháp lệnh Trọng tài kinh tế.

[...]