Thông tư 02/2005/TT-DSGĐTE hướng dẫn việc cấp, quản lý và sử dụng Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập do Ủy ban dân số gia đình và trẻ em ban hành

Số hiệu 02/2005/TT-DSGĐTE
Ngày ban hành 10/06/2005
Ngày có hiệu lực 08/07/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Uỷ Ban dân số gia đình và trẻ em
Người ký Lê Thị Thu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Quyền dân sự

UỶ BAN DÂN SỐ GIA ĐÌNH VÀ
TRẺ EM
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 02/2005/TT-DSGĐTE

Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA UỶ BAN DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM SỐ 02/2005/TT-DSGĐTE NGÀY 10 THÁNG 6 NĂM 2005 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG THẺ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH CHO TRẺ EM DƯỚI SÁU TUỔI KHÔNG PHẢI TRẢ TIỀN TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP

Căn cứ Nghị định số 94/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em;
Căn cứ Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em hướng dẫn việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng trẻ em được Nhà nước cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập (sau đây gọi tắt là Thẻ khám bệnh, chữa bệnh) là trẻ em chưa đủ bảy mươi hai tháng tuổi tính đến ngày cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh, là công dân Việt Nam hiện cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thẻ khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Thẻ có giá trị sử dụng kể từ ngày cấp Thẻ cho đến ngày trẻ em đó đủ bảy mươi hai tháng tuổi.

3. Trẻ em thực tế thường trú tại địa phương nào thì được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đó (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh.

4. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện việc cấp, cấp lại, đổi, thu hồi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi đúng đối tượng và báo cáo tình hình thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.

5. Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản Thẻ khám bệnh, chữa bệnh; không để mất, không tẩy xoá, viết lên mặt Thẻ; chỉ sử dụng Thẻ để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi tại các cơ sở y tế công lập.

6. Nghiêm cấm việc mượn, cho mượn, làm Thẻ giả, sử dụng Thẻ giả để khám bệnh, chữa bệnh; người nào mượn Thẻ, làm Thẻ giả, sử dụng Thẻ giả hoặc lợi dụng việc khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi để trục lợi thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Thủ tục cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh

a. Cha mẹ, người giám hộ xuất trình giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thực tế thường trú để làm căn cứ cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi.

b. Trường hợp trẻ em chưa có giấy khai sinh thì cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em; Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em cùng với việc cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh. Đối với những khu vực có điều kiện đi lại khó khăn, người dân còn bị chi phối bởi những phong tục, tập quán thì Cán bộ Tư pháp hộ tịch, cán bộ Dân số, Gia đình và Trẻ em phải có lịch định kỳ đến tận nhà dân để làm thủ tục giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã đăng ký khai sinh và cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi.

c. Trường hợp trẻ em chưa có Thẻ khám bệnh, chữa bệnh, chưa có giấy khai sinh, không có giấy chứng sinh, nhưng cần đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập thì Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của trẻ em và xác nhận trẻ em hiện đang thực tế thường trú tại địa bàn xã làm căn cứ cho các cơ sở y tế công lập không thu tiền khám bệnh, chữa bệnh của trẻ em.

d. Đối với trẻ em thực tế thường trú ở khu dân cư do cơ quan, tổ chức của Trung ương, địa phương, ngành quốc phòng, công an trực tiếp quản lý đóng trên địa bàn xã thì ngoài giấy khai sinh phải có giấy xác nhận đúng người, đang thực tế thường trú ở khu dân cư của ban quản lý khu dân cư để làm căn cứ cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi.

2. Cấp lại, đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh

a. Trường hợp bị mất Thẻ khám bệnh, chữa bệnh thì cha, mẹ, người giám hộ đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp lại Thẻ khám bệnh, chữa bệnh, nêu lý do bị mất, nơi cấp, số thẻ và chịu trách nhiệm về việc khai báo của mình.

b. Trường hợp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh bị rách nát; thông tin ghi trên Thẻ không đọc được; thông tin hiện tại đã thay đổi so với thông tin ghi trên Thẻ thì cha, mẹ, người giám hộ đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thực tế thường trú đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh kèm theo các thông tin hiện tại và Thẻ cũ.

c. Trường hợp trẻ em thay đổi nơi thực tế thường trú thì cha, mẹ, người giám hộ đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đến để đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh, có ghi rõ địa chỉ nơi đi và kèm theo Thẻ cũ.

d. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận đề nghị của công dân và giải quyết từng trường hợp cụ thể, lập danh sách trẻ em được cấp lại, đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh và gửi Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện. Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện kiểm tra, xác định số Thẻ đúng với số Thẻ đã được cấp lần đầu, điền đầy đủ thông tin vào Thẻ khám bệnh, chữa bệnh và chuyển đến Uỷ ban nhân dân cấp xã ký tên, đóng dấu và tiến hành cấp lại, đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.

d. Thời hạn cấp lại, đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày Uỷ ban nhân dân cấp xã nhận được đề nghị.

3. Thu hồi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh

a. Thu hồi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau: trẻ em đủ bảy mươi hai tháng tuổi, trẻ em dưới sáu tuổi bị chết, thôi quốc tịch Việt Nam, đi cư trú không thời hạn ở nước ngoài.

b. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thu hồi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp trên và lập danh sách gửi đến Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện, kèm theo các Thẻ khám bệnh, chữa bệnh đã thu hồ.

4. Mẫu Thẻ, cách ghi thông tin vào Thẻ khám bệnh, chữa bệnh

a. Hình thức của Thẻ khám bệnh, chữa bệnh

Thẻ khám bệnh, chữa bệnh có hình chữ nhật, kích thước 10 cm x 7 cm, giấy trắng cứng, nền in chìm biểu tượng của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.

[...]