Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp

Số hiệu 35/2019/NĐ-CP
Ngày ban hành 25/04/2019
Ngày có hiệu lực 10/06/2019
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2019/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2019

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.

2. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực Lâm nghiệp không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này gồm:

a) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

b) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

d) Tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập;

đ) Tổ chức nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Lâm nghiệp.

3. Cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này là những đối tượng không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kiểm lâm viên là công chức thuộc các ngạch kiểm lâm, biên chế trong cơ quan kiểm lâm.

2. Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan...).

3. Sản phẩm của động vật rừng là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng như: thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, dịch mật, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng...; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật rừng đã qua chế biến như: cao nấu từ xương động vật, túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật rừng.

4. Rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng bao gồm: rừng tái sinh tự nhiên hoặc rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trữ lượng cây đứng dưới 10 m3/ha.

5. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gồm:

[...]