Nghị định 34/2002/NĐ-CP về trình tự, thủ tục và chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma tuý đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Số hiệu 34/2002/NĐ-CP
Ngày ban hành 28/03/2002
Ngày có hiệu lực 12/04/2002
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng,Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/2002/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2002

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 34/2002/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 3 NĂM 2002 QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ CHẾ ĐỘ CAI NGHIỆN ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định về trình tự, thủ tục và chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma tuý (sau đây gọi tắt là người nghiện) đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định tại các khoản 1 và 3 Điều 28 và các khoản 1 và 2 Điều 29 của Luật Phòng, chống ma tuý.

Điều 2. Cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định trong Nghị định này là cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Nghị định số 20/CP ngày 13 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ ban hành Quy chế về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995.

Chương 2:

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ CHẾ ĐỘ CAI NGHIỆN ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN BỊ ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Điều 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi người nghiện cư trú hoặc nơi người nghiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý đối với người không có nơi cư trú nhất định, lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện).

Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ này.

Điều 4. Hồ sơ xét đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm:

1. Sơ yếu lý lịch của người nghiện.

2. Các biện pháp cai nghiện đã áp dụng.

3. Những tài liệu khác có liên quan đến nhân thân người nghiện (nếu có).

4. Nhận xét của Công an cấp xã, ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể, tổ chức xã hội mà người đó là thành viên.

Điều 5. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an cùng cấp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ.

Điều 6.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn để giúp việc xét duyệt hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Thành phần Hội đồng Tư vấn gồm: Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là thường trực Hội đồng; Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Y tế và Trưởng Công an cấp huyện là các ủy viên của Hội đồng.

Thường trực Hội đồng Tư vấn có trách nhiệm tổ chức chủ trì phiên họp và làm văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội gửi hồ sơ đến các thành viên của Hội đồng Tư vấn và triệu tập họp Hội đồng Tư vấn.

4. Hội đồng Tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, xem xét và biểu quyết từng trường hợp cụ thể, kết luận theo đa số. Nếu người nghiện là người chưa thành niên, Hội đồng Tư vấn mời đại diện cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em cùng cấp tham gia phiên họp.

Biên bản họp Hội đồng Tư vấn phải ghi rõ ý kiến phát biểu của từng đại biểu tham dự .

Điều 7. Kinh phí lập hồ sơ, đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hoạt động của Hội đồng Tư vấn được trích từ kinh phí phòng, chống ma tuý hàng năm của địa phương.

Điều 8.

[...]