Nghị định 66-HĐBT năm 1992 về cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định quy định trong Nghị định 221-HĐBT năm 1991 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 66-HĐBT
Ngày ban hành 02/03/1992
Ngày có hiệu lực 02/03/1992
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 66-HĐBT

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 1992

NGHỊ ĐỊNH 

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG  SỐ 66-HĐBT NGÀY 2-3-1992 VỀ CÁ NHÂN VÀ NHÓM KINH DOANH CÓ VỐN THẤP HƠN VỐN PHÁP ĐỊNH QUY ĐỊNH TRONG NGHỊ ĐỊNH SỐ: 221-HĐBT NGÀY 23 THÁNG 07 NĂM 1991

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Để thực hiện đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích việc đầu tư kinh doanh góp phần giải quyết việc làm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người kinh doanh; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Nghị định này áp dụng đối với các cá nhân và nhóm kinh doanh (sau đây gọi là người kinh doanh), có vốn thấp hơn vốn pháp định được quy định tại Nghị định số 221-HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991.

Điều 2. - Nghị định này không áp dụng đối với:

1. Các hộ chuyên sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có tính chất tự sản, tự tiêu.

2. Những người bán hàng rong, quà vặt và làm nghề dịch vụ có thu nhập thấp và những hộ làm kinh tế gia đình theo Nghị định số 29-HĐBT ngày 09 tháng 3 năm 1988.

Điều 3. - Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có vốn, có sức khoẻ, có kỹ thuật, chuyên môn, có địa điểm kinh doanh phù hợp với ngành nghề và mặt hàng kinh doanh, không bị pháp luật cấm kinh doanh đều được kinh doanh theo Nghị định này.

Điều 4. - Kinh doanh nói đây là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Điều 5.

1. Người kinh doanh không được kinh doanh các ngành, nghề, lĩnh vực, mặt hàng mà pháp luật cấm kinh doanh.

2. Người kinh doanh trong các ngành nghề có các điều kiện dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc những ngành nghề đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật nhất định còn phải tuân theo các quy định của các Bộ quản lý chuyên ngành.

Chương 2:

XIN PHÉP KINH DOANH VÀ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH

Điều 6. - Người kinh doanh phải có đơn xin phép kinh doanh để được xét cấp giấy phép kinh doanh. Chỉ sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, người kinh doanh mới được phép kinh doanh.

Điều 7. - Uỷ ban Nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (dưới đây gọi là huyện) là cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp giấy phép kinh doanh cho những người kinh doanh trên địa bàn huyện quản lý.

Ở các vùng rẻo cao, hải đảo xa cơ quan huyện nếu được Uỷ ban Nhân dân tỉnh đồng ý, Uỷ ban Nhân dân huyện có thể uỷ quyền cho Uỷ ban Nhân dân một số xã xét cấp giấy phép kinh doanh.

Điều 8. - Người kinh doanh phải có đơn xin phép kinh doanh (theo mẫu quy định) gửi đến Uỷ ban Nhân dân huyện nơi kinh doanh.

1. Đơn phải có đủ các nội dung sau đây:

- Họ và tên người xin kinh doanh, nam hay nữ.

- Năm sinh.

- Địa chỉ thường trú.

- Tên bảng hiệu, tên cơ sở kinh doanh (nếu có).

- Ngành, nghề, mặt hàng, hình thức kinh doanh.

- Địa điểm kinh doanh.

[...]