Nghị định 203-CP năm 1962 về giao thông vận tải đường biển do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 203-CP
Ngày ban hành 19/11/1962
Ngày có hiệu lực 04/12/1962
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 203-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1962 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BIỂN

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ vào nghị quyết Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 25 tháng 05 năm 1962,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Để bảo đảm an toàn và trật tự của việc giao thông vận tải đường biển, nay quy định những nguyên tắc cơ bản về việc quản lý các phương tiện vận tải đường biển và về việc giao thông ở trong hải phận, trong các Cảng, khúc sông mà tàu biển có thể ra vào được của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa.

Chương 1:

PHƯƠNG TIỆN ĐI BIỂN

Điều 2. – Trừ những phương tiện của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang, tất cả các phương tiện đi biển của cơ quan Nhà nước, xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã hay tập đoàn, (bất luận là phương tiện vận tải hay phương tiện chuyên dùng như tàu kéo, tàu cuốc, tài hoa tiêu, tàu, thuyền đánh cá v .v…) đều do các cơ quan Giao thông vận tải có trách nhiệm thống nhất quản lý kỹ thuật, kiểm tra an toàn, đăng ký và cấp giấy phép đi lại.

Điều 3. – Các cơ quan Giao thông vận tải được Bộ Giao thông vận tải phân công quản lý giao thông đường biển là những Sở, Ty Giao thông vận tải, Ty Cảng vụ, cơ quan đăng ký và kiểm tra giao thông đường biển. Những cơ quan này có nhiệm vụ:

- Xếp loại các phương tiện đi biển, đăng ký và cấp những giấy tờ cần thiết cho các loại phương tiện này;

- Khám xét phương tiện thi biển;

- Kiểm tra việc chấp hành các thể lệ về quản lý phương tiện đi biển, việc bảo đảm phương tiện luôn luôn được tốt và đủ các điều kiện về an toàn và vệ sinh;

- Phối hợp với cơ quan Cảnh sát nhân dân kiểm tra an toàn giao thông đường biển.

Điều 4. – Phương tiện đi biển chỉ được sử dụng sau khi đã được cấp giấy phép đi lại. Giấy phép đi lại chỉ cấp cho những phương tiện đi biển có đủ các điều kiện về an toàn và vệ sinh cần thiết.

Cơ quan, xí nghiệp hay tổ chức nào muốn đóng mới, khôi phục, đổi mới một phương tiện hoặc sửa chữa lớn, làm thay đổi hẳn tính chất chuyên chở của phương tiện đi biển, phải trình cơ quan Giao thông vận tải có thẩm quyền xét duyệt đồ án thiết kế mới trước khi khởi công.

Ngoài trường hợp khám xét để lấy giấy phép đi lại, các phương tiện đi biển còn phải được thường kỳ khám xét lại theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Nếu cơ quan quản lý, cơ quan trực tiếp sử dụng phương tiện hoặc thuyền trưởng yêu cầu thì phương tiện đi biển còn được khám xét bất thường.

Qua việc khám xét, nếu phương tiện đi biển không đủ điều kiện an toàn và vệ sinh, thì cơ quan Giao thông vận tải có quyền tạm thời rút giấy phép đi lại của phương tiện này đến lúc phương tiện đã được sửa chữa.

Điều 5. – Các phương tiện đi biển, sau khi đã đăng ký được cấp các giấy tờ cần thiết theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Các giấy tở này phải được giữ gìn cẩn thận và phải xuất trình mỗi khi nhà chức trách yêu cầu. Thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm nếu phương tiện thiếu những giấy tờ quy định trong khi đi lại.

Chương 2:

THUYỀN TRƯỞNG, VÀ CÔNG NHÂN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN TÀU

Điều 6. - Trừ các bè, mảng và thuyền nhỏ đánh cá, mỗi phương tiện đi biển phải có một Thuyền trưởng chỉ huy chịu trách nhiệm chung, và một số công nhân viên để làm các công việc ở trên tàu gọi chung là công nhân viên trên tàu. Cơ quan Giao thông vận tải có thẩm quyền ấn định số công nhân viên cần thiết của mỗi phương tiện đi biển và ghi vào giấy phép đi lại của phương tiện này. Đối với các phương tiện đánh cá biển, vì công nhân viên trên tàu vừa làm việc của thủy thủ vừa làm việc đánh cá, cơ quan Giao thông vận tải có thẩm quyền cần phối hợp với cơ quan Thủy sản để ấn định số công nhân viên cho thích hợp.

Điều 7. - Tất cả những công nhân viên trên các phương tiện đi biển đều phải đăng ký ở các cơ quan Giao thông vận tải và mỗi người được cấp riêng một “sổ công nhân viên trên tàu” khi công nhân viên trên tàu theo phương tiện đi biển ra nước ngoài Bộ Giao thông vận tải sẽ cấp cho mỗi người một sổ hộ chiếu.

Cơ quan Giao thông vận tải cấp cho mỗi địa phương tiện đi biển một sổ ghi tên công nhân viên trên tàu. Công nhân viên công tác trên mỗi phương tiện đi biển đều phải ghi tên vào sổ ghi tên ấy. Mọi sự thay thế, thêm, bớt công nhân viên trên tầu đều phải được cơ quan Giao thông vận tải có thẩm quyền xét duyệt và chứng nhận vào sổ ghi tên công nhân viên trên tầu.

Riêng đối với các tầu và thuyền đánh cá biển, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Thủy sản sẽ có quy định riêng về việc khai báo danh sách và về sổ ghi tên công nhân viên trên tầu.

Để quản lý công nhân viên trên tầu được tốt, các cơ quan chủ phương tiện đi biển và cơ quan Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc sử dụng, cấp “sổ công nhân viên trên tầu” cấp hộ chiếu cho công nhân trên tầu đi ra nước ngoài v .v…

Điều 8. - Thuyền trưởng, thợ máy, thợ điện trên các phương tiện cơ giới đi biển đều phải có bằng cấp do cơ quan Giao thông vận tải cấp. Các vô tuyến điện viên sẽ do Tổng cục Bưu điện và truyền thanh đào tạo và cấp bằng.

Bộ Giao thông vận tải quy định những điều kiện về việc cấp bằng cho thuyền trưởng, thợ máy, thợ điện, về năng lực của công nhân trên tầu, đồng thời tổ chức việc đào tạo, sát hạch và cấp bằng cho Thuyền trưởng, thợ máy và thợ điện của các phương tiện đi biển. Đối với thuyền trưởng và thợ máy của tầu đánh cá, các việc đào tạo, sát hạch và cấp bằng sẽ do Bộ Giao thông vận tải cùng Tổng cục Thủy sản quy định.

[...]