HỘI
ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
197-HĐBT
|
Hà
Nội, ngày 14 tháng 12 năm 1982
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 197-HĐBT NGÀY 14 THÁNG 12 NĂM 1982
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 quy định nhiệm vụ, quyền hạn trách
nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nuớc;
Theo đề nghị của chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.-
Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá.
Điều 2.-
Bản điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày công bố. Những quy định trước đây về thể
lệ đăng ký và sử dụng nhãn hiệu hàng hoá dịch vụ trái với điều lệ này đều bãi bỏ.
Đối với những nhãn hiệu thương
phẩm đã đăng ký theo Nghị định số 175-TTg ngày 3-1-1958 của Thủ tướng Chính phủ
và những nhãn hiệu chế tạo hay thương hiệu đã đăng ký ở miền nam Việt Nam trước
ngày 30-4-1975 muốn tiếp tục được bảo hộ về pháp lý đều phải đăng ký theo quy định
của điều lệ này.
Điều 3.-
Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng, các bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban Nhà
nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi
hành Nghị định này.
ĐIỀU LỆ
VỀ NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 197-HĐBT ngày 14-12-1982 của Hội đồng Bộ
trưởng)
Để thống nhất quản lý nhãn hiệu
hàng hoá trong phạm vi cả nước, thúc đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm
và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, góp phần quản lý việc lưu
thông hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước, chống làm hàng giả và kinh
doanh trái phép.
Điều lệ này ban hành nhằm bảo hộ
pháp lý các nhãn hiệu hàng hoá, bảo vệ quyền lợi chính dáng của người tiêu dùng
và của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Chương 1:
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều1.-1.
Các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, các xí nghiệp công tư hợp doanh, các tổ chức
xã hội, các tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa, các tư nhân và pháp nhân
có hoạt động sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ hợp pháp (sau đây gọi tắt là các
cơ sở sản xuất, kinh doanh) có quyền và có nghĩa vụ đăng ký và sử dụng nhãn hiệu
hàng hoá hay nhãn hiệu dịch vụ để đánh dấu sản phẩm hàng hoá hay phương tiện phục
vụ của mình theo quy định của điều lệ này.
2. Điều lệ này được áp dụng
chung cho việc bảo hộ pháp lý nhãn hiệu hàng hoá và nhãn hiệu dịch vụ (sau đây
gọi chung là nhãn hiệu hàng hoá).
3. Các công
ty, tổng công ty, liên hiệp các xí nghiệp, các tổ chức Nhà nước có tư cách pháp
nhân có quyền xin đăng ký và sử dụng nhãn hiệu hàng hoá tập thể. Các thành viên
hoặc các chi nhánh của các tổ chức trên được quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá tập
thể đó theo quy tắc sử dụng do các tổ chức trên quy định.
4. Cá nhân hoặc
pháp nhân nước ngoài được hưởng các quyền lợi do điều lệ này quy định trên
nguyên tắc có đ i có lại theo đúng luật pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam và các hiệp ước quốc tế về sở hữu công nghiệp mà Việt Nam tham gia.
Cá nhân hoặc pháp nhân nước
ngoài tiến hành các công việc liên quan đến bảo hộ pháp lý nhãn hiệu hàng hoá ở
Việt Nam phải thông qua người đại diện hợp pháp là Phòng thương mại nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu như các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia
không quy định một thể thức khác.
Điều 2.-1.
Nhà nước bảo hộ pháp lý nhãn hiệu hàng hoá theo quy định của điều lệ này theo
yêu cầu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh với điều kiện sản phẩm hàng hoá đã
được cơ quan có thẩm quyền cho phép sản xuất, kinh doanh và đã đăng ký chất lượng
sản phẩm theo quy định.
2. Các Bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ
ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Uỷ
ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương trong phạm vi
quyền hạn của mình, có trách nhiệm quy định các loại hàng hoá phải mang nhãn hiệu
đã được đăng ký khi lưu thông trên thị trường như hàng hoá xuất khẩu, hàng hoá
có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và đời sống người tiêu dùng hay một số loại
hàng hoá có ý nghĩa kinh tế - xã hội khác thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của
mình.
3. Các cơ sở sản xuất, kinh
doanh bắt buộc phải xin đăng ký và sử dụng nhãn hiệu hàng hoá cho các loại hàng
hoá theo quy định ở mục 2 nêu trên.
Điều 3.-1. Nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ pháp lý là những dấu hiệu được
chấp nhận có thể là từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ, hình nổi... hoặc là sự kết hợp
các yếu tố trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc kết hợp.
2. Các dấu hiệu dưới đây không
được chấp nhận là nhãn hiệu hàng hoá:
a) Các dấu hiệu không có khả
năng phân biệt như tập hợp các dạng hình học đơn giản, các chữ số, chữ cái hoặc
những chữ không có khả năng phát âm như một từ ngữ, trừ trường hợp đặc biệt các
dấu hiệu này đã được sử dụng rộng rãi và được tín nhiệm từ trước.
b) Các dấu hiệu quy ước, các
hình vẽ và tên gọi thông thường của hàng hoá đã được sử dụng rộng rãi mọi người
đều biết.
c) Các dấu hiệu chỉ thời gian,
đia điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, chất lượng, số lượng, tính chất,
thành phần, công dụng, giá trị... mang tính chất mô tả hàng hoá.
d) Các dấu hiệu làm hiểu sai lệch
về xuất xứ, tính năng, công dụng của hàng hoá hoặc các dấu hiệu có tính chất lừa
đảo người tiêu dùng.
e) Các dấu hiệu giống hoặc tương
tự với dấu chất lượng, dấu kiểm tra, dấu bảo hành... của các tổ chức trong hay
ngoài nước.
g) Các dấu hiệu mang hình quốc kỳ,
quốc huy, biểu tượng quốc gia, ảnh lãnh tụ, ảnh anh hùng dân tộc, địa danh của
Việt Nam cũng như của nước ngoài; các tên gọi, biểu tượng của các tổ chức quốc
tế nếu không được các cơ quan có thẩm quyền tương ứng cho phép.
h) Các dấu hiệu trái với pháp luật
Nhà nước, trật tự và đạo đức xã hội chủ nghĩa.
i) Các dấu hiệu giống hoặc tương
tự với nhãn hiệu hàng hoá đã được đăng ký trước tại Việt Nam hoặc đã được bảo hộ
theo một hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, cho cùng một loại hàng hoá.
Điều 4.-Việc
trình bày nhãn hiệu hàng hoá trên sản phẩm, hàng hoá, phương tiện phục vụ theo
quy định của điều lệ này không thay thế cho việc trình bày nhãn hiệu sản phẩm
(ê-ti-kết) và các loại nhãn khác theo quy định trong các tiêu chuẩn, điều kiện
kỹ thuật và hợp đồng chuyển giao hàng hoá.
Chương 2:
ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HÀNG
HOÁ
Điều 5.
-1. Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá do Cục sáng chế thuộc
Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước đảm nhiệm. Để được bảo hộ pháp lý nhãn hiệu
hàng hoá, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nộp hồ sơ xin đăng ký cho Cục
sáng chế.
2. Mỗi hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu
hàng hoá chỉ sử dụng cho một nhãn hiệu và phải kèm theo danh mục các loại hàng
hoá sẽ mang nhãn hiệu đó. Hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá làm theo mẫu quy
định trong thông tư hướng dẫn thi hành điều lệ này.
3. Người nộp hồ sơ xin đăng ký
nhãn hiệu hàng hoá phải nộp các khoản lệ phí đăng ký. Lệ phí đăng ký và các khoản
lệ phí khác nêu ở các điều sau đây của điều lệ này sẽ do Uỷ ban Khoa học và kỹ
thuật Nhà nước quy định.
Điều 6.-1. Trong thời hạn nhiều nhất là 1 tháng tính từ ngày nhận được hồ
sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, Cục sáng chế phải xem xét các yêu cầu về
hình thức và thủ tục lập hồ sơ và trong thời hạn 6 tháng tính từ ngày chấp nhận
hồ sơ hợp lệ, Cục sáng chế phải xem xét và trình Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật
Nhà nước ra quyết định cấp hoặc không cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá.
Trường hợp không cấp phải thông báo rõ lý do cho người nộp hồ sơ biết.
2. Các nhãn
hiệu hàng hoá được cấp giấy chứng nhận được ghi vào sổ đăng bạ nhãn hiệu hàng
hoá quốc gia và được công bố trên thông báo sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá do Uỷ
ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước xuất bản.Chủ nhãn hiệu hàng hoá phải nộp lệ
phí in nhãn hiệu hàng hoá khi công bố.
Điều 7.-1.
Nếu những nhãn hiệu hàng hoá tương tự gây nhầm lẫn hoặc
giống nhau do hai hay nhiều người nộp hồ sơ xin đăng ký cho cùng một loại hàng
hoá thì quyền ưu tiên thuộc vè người nộp hồ sơ sớm nhất và được xác định trên
cơ sở:
a) Ngày Cục sáng chế nhận hồ sơ
xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá hoặc ngày gửi hồ sơ qua bưu điện.
b) Ngày nộp đơn đầu tiên ở một
nước khác theo quy định của hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
c) Ngày trưng bày hiện vật có
mang nhãn hiệu giá hàng hoá tại một cuộc triển lãm chính thức ở Việt Nam, nếu hồ
sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá được nộp trong thời hạn 6 tháng tính từ ngày
hiện vật được trưng bày tại triển lãm.
2. Trường hợp
có tranh chấp về quyền ưu tiên thì nhãn hiệu hàng hoá được chấp nhận cho người
chứng minh được rằng nhãn hiệu hàng hoá đã được người đó sử dụng trước một cách
rộng rãi trên thị trường.
Điều 8.-1.
Để bảo vệ quyền lợi liên quan đến nhãn hiệu hàng hoá, các cơ sở sản xuất, kinh
doanh được phép xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá ở nước ngoài trên cơ sở quyết định
của Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng hoặc Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự thoả thuận của Bộ Ngoại thương
và theo các thể thức do Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước quy định.
2. Nhãn hiệu hàng hoá trước khi
đăng ký ra nước ngoài nhất thiết phải được bảo hộ ở Việt Nam.
Chương 3:
BẢO HỘ PHÁP LÝ NHÃN HIỆU
HÀNG HOÁ
Điều 9.-1.
Nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ kể từ ngày Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước
ra quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá.
2. Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu
hàng hoá là 10 năm tình từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.
3. Thời hạn bảo hộ có thể được
kéo dài mỗi lần nhiều nhất là 10 năm tính từ thời điểm kết thúc thời hạn trước.
Để tiếp tục kéo dài thời hạn bảo hộ, chủ nhãn hiệu hàng hoá phải nộp đơn xin
gia hạn cho Cục sáng chế 6 tháng trước khi kết thúc thời hạn bảo hộ và phải nộp
lệ phí theo quy định.
Điều 10.-1.
Trong thời hạn hiệu lực, chủ nhãn hiệu hàng hoá được độc
quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá để đánh dấu các hàng hoá liệt kê trong danh mục
hàng hoá mang nhãn hiệu đó, trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ
của mình trên lãnh thổ Việt Nam .
2. Chủ nhãn hiệu
hàng hoá có trách nhiệm bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá của
mình, hàng hoá nào không còn bảo đảm phẩm cấp chất lượng theo quy định thì
không được mang nhãn hiệu đã được đăng ký.
3. Chủ nhãn hiệu hàng hoá có quyền
chuyển nhượng từng phần hoặc toàn bộ quyền sở dụng nhãn hiệu hàng hoá cho các
cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên cơ sở hợp đồng, với điều kiện cơ sở tiếp
nhận phải đảm bảo tính năng và chất lượng của hàng hoá mang nhãn hiệu đó. Trường
hợp chuyển nhượng từng phần, trong hợp đồng phải quy định quyền kiểm tra chất
lượng hàng hoá của chủ nhãn hiệu.
4. Hợp đồng chuyển nhượng quyền
sử dụng nhãn hiệu hàng hoá phải được đăng ký tại Cục sáng chế mới có giá trị
pháp lý và chủ nhãn hiệu hàng hoá phải nộp lệ phí theo quy định.
Điều 11.-1.
Trong thời hạn hiệu lực, chủ nhãn hiệu hàng hoá có thể
đè nghị Cục sáng chế sửa đổi tên, địa chỉ của chủ nhãn hiệu, một vài chi tiết
trong nhãn hiệu, danh mục háng hoá mang nhãn hiệu... Những sửa đổi này phải được
ghi nhận trong sổ đăng bạ nhãn hiệu hàng hoá quốc gia và giấy chứng nhận nhãn
hiệu hàng hoá. Chủ nhãn hiệu phải nộp các khoản lệ phí theo quy định.
2. Trong trường hợp việc sửa đổi
dẫn đến làm thay đổi cơ bản nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký, chủ nhãn hiệu phải
tiến hành xin đăng ký như nhãn hiệu hàng hoá mới.
Điều 12.-Việc
bảo hộ pháp lý nhãn hiệu hàng hoá sẽ bị huỷ bỏ khi:
a) Chủ nhãn hiệu làm đơn xin từ
bỏ sự bảo hộ pháp lý nhãn hiệu hàng hoá trước khi kết thúc thời hạn hiệu lực.
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh là
chủ nhãn hiệu không còn tồn tại hoặc không tiếp tục hoạt động mà không có người
thừa kế hợp pháp quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá.
c) Nhãn hiệu hàng hoá không được
sử dụng sau 5 năm tính từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ mà chủ nhãn hiệu không nêu ra
được lý do chính đáng.
Nhãn hiệu hàng hoá được coi là sử
dụng khi nhãn hiệu được trình bày trên hàng hoá, bao bì, giấy tờ giao dịch hoặc
quảng cáo hàng hoá...
d) Có kết luận của các cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền về chất lượng hàng hoá không đảm bảo tiêu chuẩn với nhãn
hiệu đã đăng ký.
Điều 13.-Trong
suốt thời hạn hiệu lực của nhãn hiệu hàng hoá, bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào,
nếu phát hiện nhãn hiệu hàng hoá được cấp giấy chứng nhận không phù hợp với các
quy định của điều lệ này, đều có quyền gửi đơn khiếu nại tố cáo cho Cục sáng chế.
Trên cơ sở xem xét đơn, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có thể ra quyết định
huỷ bỏ hiệu lực bảo hộ pháp lý nhãn hiệu hàng hoá đó.
Điều 14.-1.
Người nộp hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá hoặc chủ nhãn hiệu hàng hoá có
quyền khiếu nại về các quyết định liên quan đến việc:
- Không chấp nhận hố sơ xin đăng
ký nhãn hiệu háng hoá.
- Không cấp giấy chứng nhận nhãn
hiệu hàng hoá.
- Đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực
bảo hộ pháp lý nhãn hiệu hàng hoá.
2. Trong thời hạn 3 tháng tính từ
ngày nhận được quyết định về các việc nêu trên, người khiếu nại phải nộp đơn
khiếu nại cho Cục sáng chế.
3. Trong thời hạn 2 tháng tính từ
ngày nhận được đơn khiếu nại, Cục sáng chế có trách nhiệm xem xét, giải quyết
và thông báo kết quả cho người khiếu nại. Trường hợp không đạt được sự nhất trí
giữa người khiếu nại và Cục sáng chế thì quyết định của chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học
và kỹ thuật Nhà nước là quyết định cuối cùng về các khiếu nại này.
Điều 15.-1.
Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng nhãn hiệu hàng
hoá của người khác mà không được phép hoặc sử dụng những dấu hiệu giống hoặc
tương tự có khả năng làm người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của
người khác cho các loại hàng hoá đã được liệt kê trong danh mục đều bị coi là
vi phạm độc quyền sử dụng của chủ nhãn hiệu hàng hoá.
2. Chủ nhãn hiệu hàng hoá có quyền
yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm quyền sử dụng
nhãn hiệu hàng hoá của mình.
Điều 16.-Các
cơ sở sản xuất kinh doanh không đăng ký và không sử dụng nhãn hiệu hàng hoá
theo quy định ở điều 2, mục 3 và những người vi phạm quyền sử dụng nhãn hiệu
hàng hoá của chủ nhãn hiệu theo quy định ở điều 15, mục 1, tuỳ theo mức độ vi
phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc bị truy tố trước toà án và
xét xử theo pháp luật hiện hành.
Chương 4:
TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO CÔNG
TÁC NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ
Điều 17.-1.
Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm chỉ
đạo việc đăng ký, bảo hộ pháp lý và sử dụng nhãn hiệu hàng hoá trong phạm vi cả
nước. Cục sáng chế thuộc Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước là cơ quan giúp
chủ nhiệm Uỷ ban thực hiện chức năng trên.
2. Các Bộ, Uỷ
ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo công tác nhãn
hiệu hàng hoá trong ngành hoặc địa phương mình, bao gồm:
a) Chỉ đạo các cơ sở xin đăng ký
nhãn hiệu hàng hoá ở trong và ngoài nước theo quy định.
b) Kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu
hàng hoá.
c) Tổng hợp và phổ biến kinh
nghiệm liên quan đến việc xin đăng ký, bảo hộ pháp lý và sử dụng nhãn hiệu hàng
hoá.
3. Các cơ sở sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm:
a) Chuẩn bị và lập hồ sơ xin
đăng ký nhãn hiệu hàng hoá ở trong và ngoài nước theo quy định.
b) Trình bày nhãn hiệu hàng hoá
đã được bảo hộ trên sản phẩm hàng hoá, bao bì, giấy tờ giao dịch và quảng cáo
hàng hoá của mình.
4. Bộ phận quản lý sáng kiến,
sáng chế hoặc tuỳ theo tình hình cụ thể một bộ phận thích hợp khác có trách nhiệm
giúp các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân
dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và các cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực hiện các nhiệm vụ trên ở các cấp tương đương.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18.-Chủ
nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm ban hành hoặc phối hợp
với các cơ quan có liên quan ban hành các thông tư giải thích, hướng dẫn và tổ
chức thực hiện điều lệ này.
Điều 19.-
Các bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội
đồng Bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc
Trung ương có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện điều lệ này.