Nghị định 181-HĐBT năm 1989 về Điều lệ mẫu hợp tác xã thuỷ sản do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 181-HĐBT
Ngày ban hành 08/11/1989
Ngày có hiệu lực 08/11/1989
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 181-HĐBT

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 1989

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 181-HĐBT NGÀY 8-11-1989 VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ MẪU HỢP TÁC XÃ THUỶ SẢN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ mẫu hợp tác xã thuỷ sản, thay cho bản Điều lệ hợp tác xã thuỷ sản đã ban hành theo Nghị định số 51-HĐBT ngày 17-3-1982.

Điều 2. - Các hợp tác xã thuỷ sản căn cứ vào Điều lệ mẫu này để xây dựng Điều lệ cụ thể của hợp tác xã mình. Các Điều lệ cụ thể không được trái với bản Điều lệ mẫu này.

Điều 3. - Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Điều lệ mẫu hợp tác xã thuỷ sản.

Điều 4. -Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 5. - Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các văn bản trước trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ
HỢP TÁC XÃ THUỶ SẢN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 181-HĐBT ngày 8-11-1989 của Hội đồng Bộ trưởng)

LỜI NÓI ĐẦU

Nước ta có bờ biển dài trên 3.200 kilô mét, có vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, có hàng trăm ngàn hécta mặt nước ngọt, lợ có khả năng nuôi trồng thuỷ sản. Nhân dân miền biển đã có truyền thống và nhiều kinh nghiệm phong phú trong nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản.

Tiềm năng nguồn lợi biển và sức lao động ở miền biển rất lớn, nhưng nghề cá ở nước ta cơ bản còn trong tình trạng sản xuất nhỏ, chịu ảnh hưởng nhiều về mùa vụ, thời tiết, gió bão, nhiều lao động nghèo chưa có công cụ thuyền lưới... sản xuất và đời sống của người dân làm nghề cá nhìn chung chưa ổn định, trình độ văn hoá còn thấp.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khoá 6, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá 6, cần phải mở rộng và khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực đầu tư vốn, sức lao động và kỹ thuật, phát triển mạnh khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ thuỷ sản và các ngành nghề ở miền biển, nhằm phát huy hết tiềm năng về nguồn lợi và sức lao động, tăng nhanh khối lượng sản phẩm hàng hoá, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của nhân dân và nguồn hàng cho xuất khẩu, giả quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá cho nhân dân lao động ở miền biển, từng bước đưa ngành thuỷ sản tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Trong khi khuyến khích và sử dụng các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể... phải coi trọng việc củng cố và phát triển kinh tế hợp tác xã, phát huy tính ưu việt của quan hệ sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển sản xuất, thực hiện những mục tiêu kinh tế xã hội đề ra cho ngành thuỷ sản trong những năm tới.

Điều lệ mẫu hợp tác xã thuỷ sản là cơ sở cho việc củng cố và xây dựng hợp tác xã thuỷ sản. Căn cứ vào Điều lệ mẫu này, từng hợp tác xã xây dựng điều lệ, nội quy cụ thể phù hợp điều kiện và đặc điểm của hợp tác xã mình, và thực hiện tốt Điều lệ, nội quy của hợp tác xã.

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. - Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, tổ hợp tác xã sản xuất thuỷ sản, dưới đây gọi chung là hợp tác xã thuỷ sản là tổ chức kinh tế tập thể của những người làm nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ thuỷ sản, tự nguyện cùng góp vốn, sức lao động và kỹ thuật để sản xuất kinh doanh theo pháp luật và sự hướng dẫn, giúp đỡ của Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng.

Mục đích của hợp tác xã là phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể, không ngừng mở rộng đầu tư trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phân công lao động theo hướng chuyên môn hoá và hiệp tác hoá, nhằm phát triển mạnh mẽ nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ sản để khai thác các thế mạnh về nguồn lợi thuỷ sản, nhất là thế mạnh của vùng biển, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá cho xã viên, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước, xây dựng miền biển Việt Nam xã hội chủ nghĩa giầu đẹp, văn minh.

Điều 2. - Tổ chức, quy mô và hình thức sở hữu tư liệu sản xuất của hợp tác xã thuỷ sản:

1. Hợp tác xã sản xuất kinh doanh chuyên về khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ thuỷ sản hoặc hợp tác xã sản xuất kinh doanh tổng hợp, kết hợp nghề cá với nông, lâm, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... gắn với việc tổ chức chuyên môn hoá thích hợp theo điều kiện cụ thể của từng vùng, từng hợp tác xã.

2. Hợp tác xã có quy mô lớn, vừa và nhỏ là tuỳ theo yêu cầu phát triển sản xuất và ngành nghề, trình độ quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuật. Trước mắt khuyến khích tổ chức những hợp tác xã có quy mô vừa và nhỏ.

3. Về hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, có sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và mức độ tập thể hoá tư liệu sản xuất khác nhau (trừ tư liệu sản xuất cơ bản như diện tích mặt nước, đất...).

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ