Nghị định 175-CP năm 1961 ban hành điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 175-CP
Ngày ban hành 28/10/1961
Ngày có hiệu lực 12/11/1961
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 175-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1961

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 19 tháng 09 năm 1960,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. – Để tăng cường công tác kế toán tại các ngành, các cấp nhằm góp phần vào việc nắm kịp thời và chính xác tình hình hoàn thành kế hoạch kinh tế và tài chính của Nhà nước, và việc tăng cường công tác quản lý kinh tế và tài chính của Nhà nước, nay ban hành bản điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước kèm theo nghị định này.

Điều 2. – Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giải thích và hướng dẫn thi hãnh bản điều lệ này.

Điều 3. – Các quy định cũ về tổ chức kế toán Nhà nước trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC

PHẦN THỨ NHẤT

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Kế toán là công việc tính toán và ghi chép bằng con số để phản ảnh, theo dõi, phân tích tình hình và kết quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn của Nhà nước dưới các hình thức tiền, hiện vật và thời gian lao động, chủ yếu là dưới hình thức tiền.

Do đó, kế toán có tác dụng rất lớn đối với việc kế hoạch hóa và quản lý nền kinh tế quốc dân; kế toán là công việc rất cần thiết để bảo đảm sự phát triển không ngừng của nền kinh tế tài chính xã hội chủ nghĩa.

Điều 2. – Nhiệm vụ của kế toán là:

1. Tính toán, ghi chép, phản ảnh chính xác số thực có, tình hình luân chuyển, tình hình giữ gìn, sử dụng các loại vật tư và vốn bằng tiền.

2. Thông qua việc tính toán và ghi sổ kế toán mà kiểm tra tình hình chấp hành ngân sách, kế hoạch sản xuất, kế hoạch thu chi tài vụ, kỷ luật thu nộp, thanh toán, kiểm tra việc giữ gìn và sử dụng các loại vật tư và vốn bằng tiền; phát hiện và ngăn ngừa kịp thời những hành động tham ô lãng phí, vi phạm chính sách, chế độ, kỷ luật kinh tế tài chính.

3. Cung cấp các số liệu, tài liệu giúp cho việc kiểm tra và phân tích tình hình tài vụ, phục vụ cho việc tăng cường quản lý kinh tế tài chính, phục vụ cho công tác lập và theo dõi thực hiện các kế hoạch sản xuất và thu chi tài vụ, phục vụ cho công tác thống kê.

Ngoài những nhệm vụ chung nói trên,

Kế toán ở các đơn vị thuộc ngành quản lý xí nghiệp có thêm các nhiệm vụ:

- Tính toán, phản ảnh chính xác giá thành sản phẩm, phí lưu thông theo đúng chế độ đã quy định.

- Tính toán, phản ảnh chính xác kết quả tài vụ.

- Tính toán chính xác và đôn đốc thanh toán kịp thời các khoản lợi nhuận, khấu hao và các khoản phải thu, nộp khác cho ngân sách Nhà nước.

- Thông qua việc tính toán, ghi sổ mà kiểm tra tình hình chấp hành chế độ hạch toán kinh tế.

[...]