Nghị định 157-HĐBT năm 1985 tổ chức và hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 157-HĐBT
Ngày ban hành 01/06/1985
Ngày có hiệu lực 16/06/1985
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 157-HĐBT

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 1985

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 157-HĐBT NGÀY 1 THÁNG 6 NĂM 1985 QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC BAN THANH TRA NHÂN DÂN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị quyết số 26-HĐBT ngày 15-2-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra;
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

TỔ CHỨC BAN THANH TRA NHÂN DÂN

Điều 1.

Ban Thanh tra nhân dân là cấp cơ sở trong hệ thống tổ chức thanh tra Nhà nước và là tổ chức thanh tra của quần chúng ở cơ sở. Ban Thanh tra nhân dân được tổ chức ở:

- Các cấp chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn.

- Các cơ sở sự nghiệp (bệnh viện, trường học, trạm thí nghiệm, trạm hoặc Viện nghiên cứu khoa học, các trạm điều dưỡng, an dưỡng) và các cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên.

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh (nhà máy, hầm mỏ, công trường, bến cảng, đoàn hoặc xí nghiệp vận tải, nông trường, lâm trường, tổng kho, Công ty, cửa hàng). Các cơ sở sản xuất, kinh doanh liên hợp lớn có nhiều đơn vị trực thuộc thì Uỷ ban Thanh tra tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xét, quyết định việc tổ chức Ban Thanh tra nhân dân của toàn liên hiệp, dưới đó có các Ban Thanh tra nhân dân của các đơn vị trực thuộc.

Điều 2.

Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 7 đến 11 thành viên, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đề cử danh sách và đưa ra Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trong phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân, với nhiệm kỳ 2 năm.

Các thành viên Uỷ ban nhân dân, Trưởng, Phó công an xã, xã đội không tham gia Ban Thanh tra nhân dân.

Điều 3.

Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp, hành chính có từ 5 đến 9 thành viên, do Hội nghị công nhân viên chức cử ra bằng hình thức bỏ phiếu kín, với nhiệm kỳ 2 năm.

Các cán bộ giữ cương vị phụ trách đơn vị cơ sở không tham gia Ban Thanh tra nhân dân.

Ban Thanh tra nhân dân ở các tổ chức Liên hiệp có từ 7 đến 11 thành viên do Hội nghị đại biểu Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị trực thuộc và đại biểu các đoàn thể ở cơ sở liên hiệp bầu ra, với nhiệm kỳ 2 năm.

Các Ban Thanh tra nhân dân nói trên phải được cơ quan Thanh tra cấp trên trực tiếp công nhận.

Chương 2:

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN

Điều 4. Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ:

a) Giám sát, thanh tra thường xuyên tại chỗ việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và việc chấp hành các chính sách, chế độ ở đơn vị, gắn liền với đấu tranh chống tiêu cực, nhằm bảo vệ chính sách, pháp luật, và tài sản xã hội chủ nghĩa, cải tiến công tác quản lý, tăng cường đoàn kết trong đơn vị, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân, thúc đẩy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Tuỳ từng thời gian, tập trung vào những vấn đề quan trọng cấp thiết theo các nội dung sau:

- Việc thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, công tác của đơn vị, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân (Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn), Nghị quyết Hội nghị công nhân, viên chức (Ban Thanh tra nhân dân cơ sở sản xuất, kinh doanh, hành chính, sự nghiệp).

- Việc thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 25-10-1982 của Bộ Chính trị, Nghị định số 217-CP ngày 8-6-1979 về 4 chế độ công tác, các quyết định khác về bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống các biểu hiện tiêu cực.

- Việc bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và các chế độ, nội quy của ngành, đơn vị.

- Việc tổ chức và giải quyết đời sống cho cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân, theo các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn mà Nhà nước quy định.

[...]