Nghị quyết số 26-HĐBT về việc tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 26-HĐBT
Ngày ban hành 15/02/1984
Ngày có hiệu lực 01/03/1984
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26-HĐBT

Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 1984

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 26-HĐBT NGÀY 15-2-1984 VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC THANH TRA VÀ NÂNG CAO HIỆU LỰC THANH TRA.

I. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Ngành thanh tra được thành lập lại và hoạt động theo Nghị định số 165-CP ngày 31-8-1970 và Nghị định số 1-CP ngày 3-1-1977 của Hội đồng Chính phủ.

Tổ chức thanh tra chuyên trách đã được xây dựng ở 40 tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, ở hầu hết các huyện, quận và các ngành quản lý kinh tế, sự nghiệp ở Trung ương và tỉnh, thành phố. Tổ chức thanh tra nhân dân được phát triển ở nhiều xã, phường, tổ chức thanh tra công nhân phát triển ở nhiều đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp.

Hoạt động thanh tra đã có tác dụng phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước góp phần phát huy những nhân tố tích cực, ngăn ngừa và đấu tranh chống những việc làm sai trái trong quá trình chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, kết quả đạt được của công tác thanh tra còn hạn chế so với yêu cầu của nhiệm vụ góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quản lý kinh tế, quản lý xã hội, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

Nguyên nhân của tình hình kể trên là bản thân ngành thanh tra chưa phát huy đầy đủ chức năng của mình, chưa có những biện pháp làm cho hoạt động thanh tra có hiệu lực mạnh mẽ và thiết thực trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội và thực hiện kế hoạch Nhà nước; tổ chức bộ máy thanh tra chưa thể hiện tính chất hệ thống, chưa phát huy sức mạnh của toàn ngành, đội ngũ cán bộ thanh tra chưa được tăng cường tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ. Đồng thời cũng cần nhấn mạnh tới sự nhận thức chưa đẩy đủ của nhiều cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp đối với vị trí và yêu cầu của công tác thanh tra, dẫn đến việc sử dụng chưa đầy đủ chức năng và quyền hạn của các tổ chức thanh tra; chưa coi trọng đúng mức vai trò và hiệu lực của thanh tra nhân dân trong giám sát và kiểm tra.

Trước tình hình và nhiệm vụ mới của sự nghiệp cách mạng, tăng cường tổ chức cải tiến công tác, nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao hiệu lực thanh tra trở thành một đòi hỏi cấp bách nhằm phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong những năm 1980.

II. TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC THANH TRA NÂNG CAO HIỆU LỰC CỦA THANH TRA

1. Tính chất và vị trí của tổ chức thanh tra.

Thanh tra là một khâu không thể thiếu trong công tác lãnh đạo. Đường lối chủ trương của Đảng được Nhà nước cụ thể hoá bằng các chủ trương chính sách và bằng việc tổ chức thực hiện; đồng thời phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chủ trương chính sách đã đề ra. Mặt khác đứng về Nhà nước và xã hội phải tăng cường việc xây dựng tổ chức ngành thanh tra.

Tổ chức thanh tra phải là một công cụ có hiệu lực của Nhà nước chuyên chính vô sản, đồng thời là một hình thức tổ chức của quần chúng để thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình trong việc kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Theo tinh thần ấy tổ chức và hoạt động thanh tra phải thể hiện được tính chất Nhà nước và tính chất nhân dân, phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật, giữ vững tính khách quan, trung thực, có tính chiến đấu cao; nhằm mục đích phát huy mặt đúng, ngăn ngừa, sửa chữa cái sai, làm cho chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh và có hiệu quả thiết thực.

2. Tổ chức ngành thanh tra.

a. Hệ thống tổ chức của ngành thanh tra.

Hệ thống thanh tra các cấp gồm Uỷ ban thanh tra Nhà nước Trung ương; Uỷ ban thanh tra Nhà nước cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận, và cấp tương đương; Ban thanh tra nhân dân cấp cơ sở. Đó là một hệ thống tổ chức thanh tra được quản lý và chỉ đạo tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Uỷ ban thanh tra Nhà nước Trung ương, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng có chức năng tổ chức, quản lý và chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, tiến hành thanh tra, công tác của các ngành, các cấp; đồng thời trực tiếp quản lý và chỉ đạo cả hệ thống tổ chức thanh tra.

Uỷ ban thanh tra Nhà nước tỉnh, thành phố, huyện, quận và cấp tương đương là một cấp của hệ thống thanh tra và là một bộ phận của cơ quan lãnh đạo chính quyền cùng cấp. Vì vậy nó chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban thanh tra Nhà nước cấp trên; đồng thời có trách nhiệm thi hành những nghị quyết và báo cáo kết quả hoạt động của mình trước Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Ban thanh tra nhân dân là tổ chức thanh tra của quần chúng ở cơ sở.

Thành viên của Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn do Hội nghị liên tịch giữa Chủ tịch Uỷ ban nhân dân với đại diện của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và của các đoàn thể nhân dân cùng cấp lựa chọn và trình ra hội nghị Hội đồng nhân dân quyết định. Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn phải báo cáo kết quả hoạt động của mình trước Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Thành viên của Ban thanh tra nhân dân các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp, hành chính do Hội nghị công nhân, viên chức cử. Ban thanh tra nhân dân các cơ sở phải báo cáo kết quả hoạt động của mình trước hội nghị công nhân, viên chức của đơn vị cơ sở. Trong khi hoạt động, các Ban thanh tra nhân dân này phải phối hợp chặt chẽ với Ban thanh tra ngành của cấp quản lý trực tiếp đơn vị cơ sở.

Uỷ ban thanh tra Nhà nước Trung ương sẽ quy định cụ thể về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của thanh tra nhân dân nhằm phát triển mạnh mẽ và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức này.

b. Thành phần, cấu tạo và việc thành lập Uỷ ban thanh tra Nhà nước các cấp:

- Uỷ ban thanh tra Nhà nước Trung ương có Chủ nhiệm và từ 4 đến 5 Phó chủ nhiệm; Chủ nhiệm Uỷ ban thanh tra Nhà nước Trung ương là thành viên của Hội đồng Bộ trưởng.

- Uỷ ban thanh tra Nhà nước tỉnh, thành phố có Chủ nhiệm và từ 2 đến 3 Phó chủ nhiệm; Chủ nhiệm Uỷ ban thanh tra Nhà nước, tỉnh thành phố là thành viên của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố.

- Uỷ ban thanh tra Nhà nước huyện, quận có Chủ nhiệm và từ 1 đến 2 Phó chủ nhiệm; Chủ nhiệm Uỷ ban thanh tra Nhà nước huyện, quận là thành viên của Uỷ ban nhân dân huyện, quận.

Việc bổ nhiệm, điều động, cách chức Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Uỷ ban thanh tra tỉnh, thành phố phải căn cứ vào Điều 25 của Nghị định số 24-CP ngày 2-2-1978, Điều 49 của Nghị định 35-CP ngày 9-2-1981 và phù hợp với nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất của hệ thống thanh tra được nghị quyết này quy định.

[...]