Nghị định 139-HĐBT năm 1988 hướng dẫn Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 139-HĐBT
Ngày ban hành 05/09/1988
Ngày có hiệu lực 05/09/1988
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 139-HĐBT

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 1988

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 139-HĐBT NGÀY 5-9-1988 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG  

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ Trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 29 tháng 12 năm 1987;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại.

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. - Nghị định này cụ thể hoá Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (dưới đây viết tắt là Luật Đầu tư) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đúng Luật Đầu tư.

Điều 2. - Những từ ngữ dùng trong Nghị định này phải được hiểu theo những định nghĩa ghi tại điều 2 Luật Đầu tư. Những từ ngữ chưa được định nghĩa trong Luật Đầu tư sẽ được định nghĩa tại các điều khoản liên quan của Nghị định này.

Điều 3. - Nghị định này quy định chi tiết những hoạt động đầu tư trực tiếp của người nước ngoài tại Việt Nam theo các hình thức ghi tại chương II Luật Đầu tư. Nghị định này không quy định những hoạt động đầu tư gián tiếp như cho vay vốn.

Điều 4. - Đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư được cụ thể hoá như sau:

1. Các tổ chúc kinh tế Việt Nam có tư cách pháp nhân gồm các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, liên hiệp xí nghiệp và các đơn vị kinh tế quốc doanh khác, các công ty công tư hợp doanh, các hợp tác xã sản xuất. (các cơ quan quản lý hành chính kinh tế không có chức năng hợp tác đầu tư với bên nước ngoài).

2. Tư nhân Việt Nam, kể cả các công ty tư nhân, được chung vốn với các tổ chức kinh tế Việt Nam nói trên thành bên Việt Nam để hợp tác kinh doanh với bên nước ngoài.

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, không kể thuộc quốc tịch nào, đầu tư trực tiếp về nước có các quyền lợi và nghĩa vụ như người đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp họ chung vốn với một hay nhiều tổ chức kinh tế Việt Nam nói ở điểm 1 điều này thành bên Việt Nam để hợp tác kinh doanh với bên nước ngoài, họ có các quyền lợi và nghĩa vụ như tư nhân Việt Nam. Trong cả hai trường hợp nói trên, họ đều được hưởng những điều kiện thuận lợi được quy định riêng.

4. Các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là pháp nhân Việt Nam.

5. Các tổ chức kinh tế nước ngoài có tư cách pháp nhân (gồm các tổ chức kinh tế, Tài chính quốc gia, quốc tế) và các cá nhân nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Điều 5. - Tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân nói ở điều 4 là các tổ chức kinh tế có các điều kiện sau:

1. Có tổ chức được thành lập một cách hợp pháp;

2. Có tài sản riêng và chịu trách nhiệm một cách độc lập về các tài sản đó;

3. Có quyền quyết định một cách độc lập các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình;

4. Có tư cách tham gia các quan hệ dân sự một cách độc lập (ký kết hợp đồng, thực hiện nghĩa vụ đã cam kết), có tư cách là nguyên đơn và bị đơn trước toà án.

Điều 6. - Cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói ở chương V Luật Đầu tư là Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.

Bộ Kinh tế đối ngoại là cơ quan tiếp nhận các dự án đầu tư của nước ngoài, có trách nhiệm xem xét, kiến nghị chủ trương xử lý báo cáo Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư thẩm tra và quyết định.

Điều 7.

1. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dưới các hình thức quy định tại điều 4 chương II Luật Đầu tư, phải tiến hành theo các thủ tục quy định tại Nghị định này.

2. Người nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam mà chưa có đối tượng hợp tác thì có thể liên hệ với một Công ty dịch vụ đầu tư Trung ương hoặc địa phương hoặc với Bộ Kinh tế đối ngoại.

3. Trước khi đàm phán, ký kết dự án hợp tác với bên nước ngoài, bên Việt Nam phải lập dự án tiền khả thi và phải được cơ quan chủ quản (cấp Trung ương hoặc tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương) cho phép.

4. Lệ phí về việc xét đơn xin hợp tác kinh doanh, đơn xin đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký điều lệ xí nghiệp, thông báo cho các cơ quan hữu quan và đăng công báo chỉ phải trả một lần khi nộp đơn.

[...]