CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 127/2024/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 10 năm 2024
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 05/2011/NĐ-CP
NGÀY 14 THÁNG 01 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm
2015;
Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc
hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc
hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh
tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;
Theo đề nghị của Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;
Chính phủ ban hành Nghị định
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP
ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc.
Điều 1. Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm
2011 của Chính phủ về công tác dân tộc
1. Sửa đổi,
bổ sung khoản 4 Điều 4 như sau:
“4. “Vùng đồng bào dân tộc thiểu
số” là địa bàn cấp tỉnh, huyện, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ổn
định; thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp và tương đương (sau đây gọi chung là
thôn) có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ổn định thành cộng đồng.”
2. Bổ sung
Điều 4a và Điều 4b vào sau Điều 4 như sau:
“Điều 4a. Phân định vùng đồng
bào dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển
1. Vùng đồng bào dân tộc thiểu
số được phân định theo trình độ phát triển theo các tiêu chí, trình tự, thủ tục,
hồ sơ do cấp có thẩm quyền quy định trong từng thời kỳ.
2. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối
hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền
ban hành văn bản quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
Điều 4b. Tiêu chí xác định
dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù
1. Dân tộc thiểu số còn gặp nhiều
khó khăn, có khó khăn đặc thù được xác định theo các tiêu chí, trình tự, thủ tục,
hồ sơ do cấp có thẩm quyền quy định trong từng thời kỳ.
2. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối
hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền
ban hành văn bản quy định chi tiết khoản 1 Điều này.”
3. Bổ sung
nội dung vào Điều 5 như sau:
“Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp
với các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu,
trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản triển khai thực hiện nội dung quy định
tại Điều này.”
4. Bổ sung
khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 7 như
sau:
“1a. Lợi dụng, kích động tư tưởng
dân tộc hẹp hòi.”
5. Sửa đổi,
bổ sung Điều 12 như sau:
“Điều 12. Chính sách đối với
người có uy tín, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc
thiểu số
1. Người có uy tín trong đồng
bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin, hỗ trợ vật
chất, động viên tinh thần, được khen thưởng, biểu dương, tôn vinh, thăm hỏi, tiếp
đón và được hưởng các chế độ, ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực
hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội
của địa phương.
2. Định kỳ 5 năm, đột xuất tổ
chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, vinh danh đối với người có uy tín và
các điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Ủy ban Dân tộc tham mưu,
trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết khoản 1 Điều này;
ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này.”
6. Bổ sung
Điều 12a vào sau Điều 12 như
sau:
“Điều 12a. Chi thăm hỏi,
chúc mừng, tặng quà, động viên, gặp mặt đối với một số đơn vị, cá nhân là người
dân tộc thiểu số
1. Đối tượng thụ hưởng
a) Nguyên lãnh đạo chủ chốt,
lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước là người dân tộc thiểu số;
b) Anh hùng Lực lượng vũ trang,
Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ
tiền khởi nghĩa, chiến sỹ cách mạng tiêu biểu, sĩ quan lực lượng vũ trang có
quân hàm cấp tướng đã nghỉ hưu là người dân tộc thiểu số;
c) Nguyên Lãnh đạo ban, bộ,
ngành Trung ương là người dân tộc thiểu số; nguyên Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương là người dân tộc thiểu số;
d) Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu
tú, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, thầy
thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, giáo sư, phó giáo sư là người dân tộc thiểu số;
đ) Bí thư chi bộ, trưởng thôn,
nông dân sản xuất giỏi, chức sắc, chức việc tôn giáo là người dân tộc thiểu số
có đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận;
e) Người dân tộc thiểu số đạt
giải thưởng cấp quốc tế và quốc gia;
g) Hộ dân tộc thiểu số nghèo
sinh sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
h) Người dân tộc thiểu số, hộ
dân tộc thiểu số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai, dịch
bệnh, hoả hoạn hoặc khó khăn đột xuất khác;
i) Ủy ban nhân dân các xã đặc
biệt khó khăn, đơn vị lực lượng vũ trang, trạm y tế, cơ sở giáo dục mầm non, cơ
sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học,
cơ sở tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trường phổ thông dân tộc nội
trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học có thành tích, đóng
góp cho công tác dân tộc và sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
k) Đoàn đại biểu người dân tộc
thiểu số do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh được
ủy quyền thành lập đến thăm và làm việc với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân
tộc.
2. Nội dung và mức chi
a) Thăm hỏi, tặng quà các đối
tượng tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này. Mức chi tối đa: 5.000.000 đồng/người/lần;
không quá 10.000.000 đồng/người/năm;
b) Chúc mừng, tặng quà nhân dịp
Tết Nguyên Đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, nhân dịp
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc đi thăm, làm việc tại các địa phương đối
với đối tượng quy định tại điểm d, đ, e khoản 1 Điều này. Mức chi tối đa:
1.000.000 đồng/người/lần; không quá 3.000.000 đồng/người/năm;
c) Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp
Tết Nguyên Đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, nhân dịp
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc đi thăm, làm việc tại các địa phương đối
với đối tượng quy định tại điểm g của khoản 1 Điều này; thăm hỏi, động viên, tặng
quà đối với đối tượng quy định tại điểm h khoản 1 Điều này. Mức chi tối đa:
1.000.000 đồng/người, hộ/lần; không quá 3.000.000 đồng/người, hộ/năm;
Riêng thăm hỏi, động viên đối với
đối tượng quy định tại điểm h khoản 1 Điều này bị thiệt hại về người, mức chi:
5.000.000 đồng/hộ/lần; không quá 10.000.000 đồng/hộ/năm;
d) Thăm hỏi, chúc mừng, tặng
quà các đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều này. Mức chi tối đa:
20.000.000 đồng/đơn vị, tổ chức/lần/năm;
đ) Tổ chức gặp mặt đoàn đại biểu,
tặng quà các cá nhân trong đoàn quy định tại điểm k khoản 1 Điều này. Mức chi tặng
quà tối đa: 1.000.000 đồng/người/năm; nội dung, mức chi khác theo quy định của
Bộ Tài chính về chế độ tiếp khách trong nước.
3. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm
hỏi, chúc mừng, tặng quà, động viên, gặp mặt các đối tượng quy định tại khoản 1
Điều này theo đề xuất của Ủy ban Dân tộc; Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc thăm hỏi,
chúc mừng, tặng quà, động viên, gặp mặt các đối tượng quy định tại điểm b, c,
d, đ, e, g, h, i, k của khoản 1 Điều này.
4. Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực
hiện các quy định tại điểm đ, h, i, k khoản 1 Điều này.”
7. Sửa đổi, bổ sung một số khoản
của Điều 17 như sau:
a) Sửa đổi,
bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Ứng dụng công nghệ thông
tin và chuyển đổi số trong tổ chức triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính
sách dân tộc.”
b) Sửa đổi,
bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Tăng cường và nâng cao hiệu
quả sử dụng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại
chúng và hệ thống thông tin cơ sở.”
c) Sửa đổi,
bổ sung khoản 5 như sau:
“5. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối
hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện nội dung quy
định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.”
8. Sửa đổi, bổ sung một số khoản
của Điều 18 như sau:
a) Sửa đổi,
bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Người dân tộc thiểu số cư
trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các dịch
vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật.”
b) Bổ sung
khoản 3a vào sau khoản 3 như
sau:
“3a. Xây dựng và tăng cường đào
tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ người thực hiện, người
hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên
pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó
ưu tiên đối tượng là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số
để kịp thời trợ giúp pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật và hoà giải ở cơ sở
cho đồng bào dân tộc thiểu số.”
c) Sửa đổi,
bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp
với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện
nội dung quy định tại khoản 1, 3, 3a và nội dung trợ giúp pháp lý tại khoản 2
Điều này. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng,
trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án
phổ biến giáo dục pháp luật tại khoản 2 Điều này.”
9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản
của Điều 21 như sau:
a) Sửa đổi,
bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Ban hành các văn bản quy phạm
pháp luật về công tác dân tộc; xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách dân
tộc, cơ chế đặc thù thực hiện chính sách dân tộc, các chương trình, dự án, đề
án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.”
b) Sửa đổi,
bổ sung khoản 5 như sau:
“5. Kiểm tra, thanh tra, sơ kết,
tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách, chương trình, dự án ở vùng đồng
bào dân tộc thiểu số; việc chấp hành pháp luật về công tác dân tộc, phòng, chống
tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; theo dõi, nắm tình hình vùng đồng bào dân tộc
thiểu số; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác dân tộc theo quy
định của pháp luật.”
c) Sửa đổi,
bổ sung khoản 7, 8 và 9 như
sau:
“7. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng,
sử dụng, quản lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống cơ quan nhà nước,
nhất là trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc.
8. Xây dựng cơ sở dữ liệu về
vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, xây dựng,
quản lý và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.
9. Thẩm định chương trình,
chính sách, đề án, dự án liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng
các dân tộc thiểu số.”
d) Sửa đổi,
bổ sung khoản 11 như sau:
“11. Hợp tác quốc tế về công
tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, phối hợp với các tổ chức, cá nhân
nước ngoài, tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về công
tác dân tộc; khuyến khích việc giúp đỡ, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào
dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó
khăn thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc theo quy định của
pháp luật.”
đ) Bổ
sung khoản 12 vào sau khoản 11 như sau:
“12. Xây dựng, củng cố hệ thống
chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững
chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên
người tiêu biểu có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các dân tộc
thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
10. Sửa đổi,
bổ sung khoản 2 Điều 23 như
sau:
“2. Xây dựng, ban hành và trình
cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, chương trình, dự án thuộc lĩnh vực
công tác do Bộ, ngành quản lý để áp dụng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu
số rất ít người, dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù,
hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng
kết việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án thuộc quyền quản lý.”
11. Sửa đổi,
bổ sung khoản 1 Điều 24 như
sau:
“1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan hoạch định, xây dựng, đề xuất hoặc tham gia thẩm định, tổ chức
thực hiện chính sách dân tộc, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng
kết, đánh giá, tuyên truyền, vận động việc thực hiện chính sách dân tộc; là đầu
mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc, tình hình vùng đồng
bào dân tộc thiểu số theo quy định tại Nghị định này.”
12. Sửa đổi,
bổ sung khoản 2 Điều 25 như
sau:
“2. Hằng năm, xây dựng, triển
khai thực hiện kế hoạch, chương trình công tác dân tộc. Tổ chức, chỉ đạo, kiểm
tra việc thực hiện pháp luật và chính sách dân tộc; theo dõi, nắm tình hình
vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn quản lý; tổ chức, chỉ đạo thực hiện
biện pháp bảo đảm các điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng
bào các dân tộc thiểu số.”
Điều 2.
Thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP
ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc
1. Thay thế cụm từ “vùng dân tộc
thiểu số” bằng cụm từ “vùng đồng bào dân tộc thiểu số” tại khoản
1, 3, 4 Điều 8; khoản 1, 2, 6 Điều 9; khoản 1 Điều 10; khoản
1 Điều 11; tên tiêu đề và khoản 2 Điều 14; tên tiêu đề Điều 15; khoản 5 Điều 16; khoản 1, 2 Điều 17;
khoản 2 Điều 18; khoản 1 Điều 19; khoản 1 Điều 20; khoản 4
Điều 21; khoản 3 Điều 25.
2. Thay thế cụm từ “đồng bào
vùng dân tộc thiểu số” tại khoản 4 Điều 10 bằng cụm từ “đồng
bào dân tộc thiểu số”.
3. Thay thế nội dung “Ủy ban
Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 5, 12, khoản 5 Điều 22” tại khoản 1 Điều 28 bằng nội dung “Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm
đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc triển khai thực hiện Nghị định này”.
4. Bãi bỏ khoản
6 Điều 4.
Điều 3. Điều
khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực
thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
2. Các xã, thôn vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi đã được cấp có thẩm quyền phân định theo trình độ
phát triển giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục được thụ hưởng đầy đủ các chế độ,
chính sách đối với xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định tại
Nghị định này đến khi có quy định thay thế của cấp có thẩm quyền.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này./.”
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc;
- Lưu: VT, QHĐP (03) VQT.
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Hòa Bình
|