Nghị định 122-HĐBT năm 1982 về chế độ quản lý các chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 122-HĐBT
Ngày ban hành 20/07/1982
Ngày có hiệu lực 20/07/1982
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Nguyên Giáp
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 122-HĐBT

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 1982

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 122-HĐBT NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 1982 VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ CÁC CHƯƠNG TRÌNH TIẾN BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT TRỌNG ĐIỂM CỦA NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng do Quốc hội thông qua ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 192-CP ngày 13 tháng 10 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ ngày 22 tháng 10 năm 1980 về kế hoạch khoa học và kỹ thuật 5 năm 1981 - 1985;
Căn cứ Nghị định số 263-CP ngày 27 tháng 6 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ về chế độ kế hoạch hoá khoa học kỹ thuật;
Để bảo đảm thực hiện có kết quả các chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước;
Theo đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước (dưới đây gọi tắt là "chương trình") là hệ thống đồng bộ các nhiệm vụ khoa học kỹ thuật (bao gồm các công việc: điều tra, nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất thử, đưa vào sản xuất, cải tiến tổ chức, hợp lý hoá sản xuất...) và các biện pháp thực hiện (tổ chức, đầu tư, xây dựng cơ bản...) nhằm góp phần giải quyết một hoặc một số mục tiêu trọng điểm của nền kinh tế quốc dân trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học và kỹ thuật.

Các chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm phải được thể hiện vào kế hoạch 5 năm, hàng năm và được quản lý theo chế độ thống nhất của Nhà nước.

Điều 2. Xuất phát từ mục tiêu được lựa chọn, về mặt nhiệm vụ khoa học kỹ thuật mỗi chương trình gồm hai nội dung chính:

Các nhiệm vụ áp dụng thành tựu khoa học và kỹ thuật.

Các vấn đề, đề tài điều tra, nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Quá trình thực hiện các nhiệm vụ nói trên phải bao quát từ việc nghiên cứu, điều tra đến việc áp dụng vào sản xuất ở quy mô nhất định, phải huy động được tối đa tiềm lực cán bộ khoa học kỹ thuật và cơ sở vật chất - kỹ thuật của các ngành, các địa phương, các cơ sở tham gia thực hiện nhằm bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra một cách vững chắc.

Điều 3. Các ngành, các cấp phải bảo đảm các điều kiện ưu tiên về cán bộ, tài chính, vật tư, xây dựng cơ bản, vận tải, hợp tác quốc tế về khoa học kỹ thuật và các mặt khác để thể hiện có kết quả các chương trình đã được thể hiện vào kế hoạch Nhà nước.

Điều 4. Trong việc quản lý các chương trình phải kết hợp vận dụng các chế độ hiện hành về kế hoạch hoá khoa học và kỹ thuật về ký kết hợp đồng, về khuyến khích tinh thần, vật chất để bảo đảm thực hiện chương trình.

Điều 5. Mỗi chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước phải có một ban chủ nhiệm chương trình phụ trách, đứng đầu ban là một Chủ nhiệm chương trình.

Chủ nhiệm chương trình là một cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn, có phẩm chất chính trị và uy tín, có năng lực tổ chức nhất định, đủ sức đảm đương việc chỉ đạo chương trình do Bộ trưởng Bộ chủ trì giới thiệu, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước đề nghị và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Danh sách cán bộ tham gia ban chủ nhiệm chương trình do Chủ nhiệm chương trình giới thiệu, Bộ trưởng Bộ chủ trì đề nghị và Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước quyết định, sau khi nhất trí với các Bộ quản lý cán bộ.

Danh sách các chủ nhiệm hoặc ban chủ nhiệm các vấn đề, đề tài do Chủ nhiệm chương trình đề nghị Bộ chủ trì hoặc Bộ chủ quản quyết định.

Chương 2:

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HOÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH TIẾN BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT TRỌNG ĐIỂM CỦA NHÀ NƯỚC

Điều 6. Để bảo đảm sự thực hiện, mỗi chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm phải có một kế hoạch thực hiện và điều hoà được cơ quan có thẩm quyền duyệt trước khi ghi vào kế hoạch Nhà nước.

Điều 7. Kế hoạch thực hiện và điều hoà của mỗi chương trình bao gồm:

Các đề cương tiến hành từng nhiệm vụ, từng vấn đề hoặc đề tài trong chương trình.

Đề cương tổng hợp kế hoạch thực hiện toàn bộ chương trình, được xây dựng trên cơ sở các đề cương tiến hành từng nhiệm vụ, vấn đề, đề tài nói trên.

Các bản đề cương này phải xác định rõ mục tiêu cuối cùng của chương trình hoặc của nhiệm vụ, vấn đề, đề tài trong chương trình; hiệu quả kinh tế - xã hội cuối cùng cần đạt; nội dung, tiến độ thực hiện và phân công trách nhiệm cho từng cơ quan, từng chủ nhiệm đề tài; các điều kiện vật chất kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện.

Sau khi cơ quan có thẩm quyền duyệt và được thể hiện vào kế hoạch Nhà nước, bản kế hoạch thực hiện và điều hoà của mỗi chương trình là một văn bản có hiệu lực pháp lý đối với mọi cơ quan, cá nhân tham gia và có liên quan đến chương trình. Chủ nhiệm chương trình và các Chủ nhiệm đề tài có quyền căn cứ kế hoạch thực hiện và điều hoà để ký các hợp đồng với các cơ quan khác nhằm thực hiện chương trình.

Điều 8. Các chương trình và kế hoạch thực hiện và điều hoà của chương trình được xét duyệt theo nguyên tắc sau đây:

[...]