Nghị định 102-TTg năm 1962 ban hành quy chế thực tập cho sinh viên, học sinh các trường đại học và chuyên nghiệp trung cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 102-TTg
Ngày ban hành 11/10/1962
Ngày có hiệu lực 26/10/1962
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 102-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 1962

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC TẬP CHO SINH VIÊN, HỌC SINH CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CHUYÊN NGHIỆP TRUNG CẤP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ yêu cầu của việc đào tạo cán bộ của Nhà nước,
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ giáo dục,
Căn cứ nghị quyết của Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 09 tháng 8 năm 1962;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành quy chế thực tập cho sinh viên, học sinh các trường đại học, hoc viện và chuyên nghiệp trung cấp.

Điều 2. Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

QUY CHẾ THỰC TẬP

CHO SINH VIÊN, HỌC SINH CÁC TRƯỜNG Đ ẠI HỌC, VÀ CHUYÊN NGHIỆP TRUNG CẤP

Điều 1. Thực tập là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo cán bộ ở các trường đại học, học viện và chuyên nghiệp trung cấp. Việc thực tập có mục đích:

Giúp sinh viên, học sinh kiểm nghiệm củng cố và bổ sung những kiến thức lý thuyết đã học ở lớp;

Giúp sinh viên và học sinh học tập những kỹ năng và kiến thức về công tác thực tế, nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề trong thực tế;

Tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh trực tiếp tham gia lao động ngành nghề, tiếp xúc, làm việc, sinh hoạt với công nhân và nông dân, học tập công nhân và nông dân.

Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa nhà trường với các cơ sở thuộc các ngành kinh tế, văn hóa, khoa học… để sinh viên và học sinh làm quen với môi trường mà sau này họ sẽ phục vụ.

Bồi dưỡng cho sinh viên, học sinh lòng yêu nghề, tinh thần phục vụ, năng lực độc lập công tác để họ nhanh chóng trở thành những người lao động mới vừa biết lao động trí óc vừa có khả năng lao động chân tay, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa xã hội và công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Điều 2.  Các trường đại học, học viện và chuyên nghiệp trung cấp có nhiệm vụ:

Xây dựng kế hoạch thực tập tổng quát cho từng năm và kế hoạch tỉ mỉ cho từng đợt. Để thực tập được tốt và không gây trở ngại cho kế hoạch sản xuất của các cơ sỏ, các trường chỉ nên tổ chức cho sinh viên xuống các cơ sở những lúc thật cần thiết, theo đúng kế hoạch học tập đã được Bộ giáo dục duyệt.

Liên hệ với các cơ sở để bàn bạc thống nhất về kế hoạch thực tập và cùng các cơ sở tổ chức hướng dẫn việc học tập.

Lãnh đạo sinh viên, học sinh nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của các cơ sở;

Giáo dục cho sinh viên, học sinh tinh thần khiêm tốn học hỏi công nhân, nông dân và hăng hái tham gia xây dựng cơ sở nơi mình đến thực tập;

Cùng với các cơ sở nơi sinh viên, học sinh đến thực tập, tổ chức, nhận xét, đánh giá kết quả thực tập của sinh viên, học sinh và rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao chất lượng thực tập.

Điều 3. Các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, hợp tác xã, cơ quan có sinh viên, học sinh đến thực tập có nhiệm vụ:

Làm cho cán bộ và công nhân trong cơ sở mình thấy rõ ý nghĩa của việc thực tập để mỗi người đều có ý thức tích cực hướng dẫn, chỉ bảo cho sinh viên, học sinh thực tập được tốt;

Cử cán bộ có trách nhiệm cùng với nhà trường tổ chức, hướng dẫn đoàn thực tập;

Tích cực giúp đỡ sinh viên, học sinh về chỗ ăn, ở và các điều kiện vật chất khác trong phạm vi có thể, những vấn đề này nhà trường có sinh viên, học sinh đến thực tập tự lo liệu quản lý lấy là chính;

[...]