Nghị định 10-CP năm 1996 ban hành Quy chế quản lý dự trữ Quốc gia

Số hiệu 10-CP
Ngày ban hành 24/02/1996
Ngày có hiệu lực 24/02/1996
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 2 năm 1996

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 10-CP NGÀY 24 THÁNG 02 NĂM 1996 BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ DỰ TRỮ QUỐC GIA

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để thực hiện đổi mới và tăng cường công tác quản lý dự trữ Quốc gia;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1- Ban hành kèm theo Nghị định này "Quy chế quản lý dự trữ Quốc gia".

Điều 2- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Nghị định số 142/HĐBT ngày 08 tháng 09 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quy chế dự trữ Quốc gia và các Quy định tại các văn bản khác trước đây trái với Nghị định này.

Điều 3- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia chịu trách nhiệm thi hành Quy chế kèm theo Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

QUY CHẾ
QUẢN LÝ DỰ TRỮ QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Nghị định số 10/CP ngày 24 tháng 2 năm 1996 của Chính phủ)

Chương 1:

QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1- Quỹ dự trữ Quốc gia là một phần của cải vật chất của Nhà nước được tích luỹ thành lực lượng dự phòng chiến lược để sử dụng vào mục đích: phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai; phục vụ an ninh, quốc phòng và thực hiện các nhiệm vụ khác của Chính phủ.

Điều 2 - Quỹ dự trữ Quốc gia phải được quản lý chặt chẽ và chỉ đạo tập trung thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tuyệt đối bí mật, luôn luôn sẵn sàng đáp ứng cao nhất mọi yêu cầu trong mọi tình huống.

Điều 3- Hệ thống quản lý dự trữ Quốc gia gồm: Cục Dự trữ Quốc gia và các Cơ quan, đơn vị quản lý hàng dự trữ Quốc gia chuyên dùng, đặc chủng thuộc các Bộ, ngành.

Điều 4- Hàng hoá, vật tư đưa vào quỹ dự trữ Quốc gia (gọi tắt là hàng dự trữ) là những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống và an ninh, quốc phòng.

Điều 5- Việc phân công quản lý hàng dự trữ Quốc gia như sau:

Những mặt hàng chuyên dùng, đặc chủng giao cho các Bộ, ngành trực tiếp quản lý.

Những mặt hàng khác giao cho Cục Dự trữ Quốc gia trực tiếp quản lý. Danh mục mặt hàng và phân công quản lý các mặt hàng dự trữ do Chính phủ quy định trong phụ biểu kèm theo Qui chế này.

Điều 6- Các cơ quan dự trữ Quốc gia có trách nhiệm từng bước hoàn thiện, hiện đại và bố trí theo quy hoạch, đặt tại các vùng chiến lược kinh tế - quốc phòng của đất nước hệ thống kho dự trữ Quốc gia, vừa đảm bảo an toàn, bí mật, vừa thuận tiện cho việc nhập, xuất hàng.

Chương 2:

KẾ HOẠCH DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 7.- Hoạt động dự trữ Quốc gia được xây dựng, thực hiện theo kế hoạch hàng năm, dài hạn và các Quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 8- Căn cứ để xây dựng kế hoạch dự trữ Quốc gia:

Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của Nhà nước.

Yêu cầu tăng cường tiềm lực dự trữ và khả năng ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.

[...]