Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả

Số hiệu 08/2013/NĐ-CP
Ngày ban hành 10/01/2013
Ngày có hiệu lực 01/03/2013
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật hình sự ngày 21 tháng 12 năm 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự ngày 29 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với vi phạm hành chính, thủ tục và thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

2. Hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này gồm các loại hàng hóa theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật thương mại năm 2005.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Theo Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Sản xuất hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả để đưa vào lưu thông.

2. “Buôn bán hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, trưng bày, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác để đưa hàng giả vào lưu thông.

3. “Tem, nhãn, bao bì giả” gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này.

4. “Tang vật”:

a) Hàng giả thành phẩm, chưa thành phẩm đã hoặc chưa đưa vào lưu thông;

b) Nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, bộ phận, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, các loại vật tư, nguyên liệu khác và tem, nhãn, bao bì giả được sử dụng để sản xuất hàng giả.

5. “Phương tiện vi phạm” gồm phương tiện vận tải, công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất, buôn bán hàng giả.

Điều 4. Các loại hàng giả

1. Hàng không có giá trị sử dụng, công dụng:

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ