Nghị định 08/2003/NĐ-CP về hoạt động của cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế

Số hiệu 08/2003/NĐ-CP
Ngày ban hành 10/02/2003
Ngày có hiệu lực 20/03/2003
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 2 năm 2003

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 08/2003/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 02 NĂM 2003VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI PHỤC VỤ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 02 tháng 12 năm 1993;
Để nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là hoạt động phục vụ kinh tế), đưa hoạt động này thành một trong các biện pháp của Chính phủ nhằm thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư, hợp tác phát triển, hợp tác khoa học - công nghệ, du lịch, lao động, dịch vụ thu ngoại tệ; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hoạt động kinh tế đối ngoại;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Nghị định này điều chỉnh các hoạt động do Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Cơ quan đại diện) thực hiện nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hoạt động kinh tế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo hộ quyền và lợi ích kinh tế hợp pháp của tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước tiếp nhận.

Điều 2. Nguyên tắc của hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện

1. Hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện phải căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua; yêu cầu cụ thể của tổ chức, cá nhân Việt Nam có liên quan.

2. Hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận, của nước mà tổ chức quốc tế đặt trụ sở, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

3. Hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện phải phát huy tối đa những lợi thế về hệ thống tổ chức và địa vị đại diện chính thức của Cơ quan đại diện tại nước tiếp nhận và các tổ chức quốc tế.

Chương 2:

NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ KINH TẾ CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN

Điều 3. Cung cấp thông tin kinh tế

1. Thu thập, phân tích, đánh giá và cung cấp cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thông tin về :

a) Tình hình kinh tế quốc tế, quan hệ kinh tế quốc tế.

b) Tiềm năng, chiến lược, chính sách, tình hình kinh tế, pháp luật, tập quán thị trường ở nước tiếp nhận và các tổ chức quốc tế.

c) Xu thế phát triển của khoa học và công nghệ trên thế giới, cơ hội tiếp thu công nghệ.

d) Các vấn đề liên quan tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kinh nghiệm tham gia và hoạt động của nước tiếp nhận tại các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực.

2. Thực hiện tuyên truyền, quảng bá tại nước tiếp nhận và các tổ chức quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội, đất nước, danh lam thắng cảnh, cơ hội và môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc giới thiệu về :

a) Đường lối, chính sách, pháp luật, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

b) Tiềm năng, cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, du lịch và lao động của Việt Nam.

c) Thông tin chung về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.

d) Khả năng và nhu cầu hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế - xã hội.

Điều 4. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại

1. Thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước với nước tiếp nhận hoặc tổ chức quốc tế nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Đề xuất với Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan trong nước các chính sách và biện pháp cần thiết nhằm phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với nước tiếp nhận, các tổ chức quốc tế, chú trọng sự hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học và công nghệ.

[...]