CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------
|
Số:
06/2010/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2010
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH NHỮNG NGƯỜI LÀ CÔNG CHỨC
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm
2001;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng
11 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Nghị định này quy định những người
là công chức nêu tại khoản 2 Điều 4 và khoản
1 Điều 32 của Luật Cán bộ, công chức.
Điều 2. Căn
cứ xác định công chức
Công chức là công dân Việt Nam,
được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng
lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp
công lập theo quy định của pháp luật, làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn
vị quy định tại Nghị định này.
Điều 3. Công
chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Ở Trung ương:
a) Người giữ chức vụ, chức danh cấp
phó, trợ lý, thư ký của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cục,
vụ, cơ quan thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng của Văn
phòng Trung ương Đảng, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các Ban Đảng
ở Trung ương;
b) Người giữ chức vụ, chức danh
người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng,
cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của Đảng ủy khối và Đảng ủy ngoài nước trực
thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
c) Người làm việc trong bộ phận
giúp việc của cơ quan, tổ chức do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cơ quan do Ban Chấp
hành Trung ương Đảng quyết định thành lập.
2. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh):
a) Người giữ chức vụ, chức danh
người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng,
cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của tỉnh ủy, thành ủy;
b) Người giữ chức vụ, chức danh
người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng,
cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của Đảng ủy khối trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy;
c) Người làm việc chuyên trách
trong văn phòng, ban tổ chức, ban tuyên giáo, cơ quan ủy ban kiểm tra của Đảng ủy
cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy.
3. Ở quận,
huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện):
Người giữ chức vụ, chức danh người
đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cơ quan
ủy ban kiểm tra, các ban của huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh.
Điều 4. Công
chức trong Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch
nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước; người giữ
chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn
vị sự nghiệp công lập.
Điều 5. Công
chức trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ thành lập
1. Thứ trưởng và người giữ chức
danh, chức vụ tương đương; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm
việc trong văn phòng, vụ, thanh tra và tổ chức khác không phải là đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.
2. Tổng cục trưởng và tương
đương, Phó Tổng cục trưởng và tương đương, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp
phó và người làm việc trong văn phòng, vụ, thanh tra thuộc Tổng cục và tương
đương.
3. Cục trưởng, Phó Cục trưởng,
người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, phòng,
thanh tra, chi cục thuộc Cục.
4. Người đứng
đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong các tổ chức do Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 6. Công
chức trong cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện
1. Ở cấp tỉnh:
a) Chánh văn phòng, Phó Chánh
văn phòng, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong cơ cấu
tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy
ban nhân dân;
b) Người đứng đầu, cấp phó của
người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; người giữ chức vụ cấp
trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân
dân;
c) Trưởng ban, Phó Trưởng ban,
người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không
phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân.
2. Ở cấp huyện:
a) Chánh văn phòng, Phó Chánh
văn phòng và người làm việc trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân
dân;
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận, huyện, Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng và người làm việc
trong văn phòng Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng
nhân dân;
c) Người giữ chức vụ cấp trưởng,
cấp phó và người làm việc trong cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.
Điều 7. Công
chức trong hệ thống Tòa án nhân dân
1. Phó Chánh án Tòa án nhân dân
tối cao; Chánh án, Phó Chánh án các tòa và tòa chuyên trách; Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao; thư ký tòa án; người làm việc trong văn phòng, vụ, ban và các
tòa, tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao;
2. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án
nhân dân cấp tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án các tòa chuyên trách; Thẩm định Tòa
án nhân dân cấp tỉnh; thư ký tòa án; người làm việc trong văn phòng, phòng, ban
và Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
3. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án
nhân dân cấp huyện; Thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện; thư ký tòa án; người
làm việc trong tòa án nhân dân cấp huyện.
Điều 8. Công
chức trong hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân
1. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao; kiểm sát viên, điều tra viên; người làm việc trong văn phòng,
vụ, cục, ban và Viện nghiệp vụ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
2. Viện trưởng, Phó Viện trưởng
Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; kiểm sát viên, điều tra viên; người làm việc
trong văn phòng, phòng thuộc Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh;
3. Viện trưởng, Phó Viện trưởng
Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện; kiểm sát viên, điều tra viên và người làm việc
trong Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Điều 9. Công
chức trong cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội
1. Ở Trung ương:
a) Chánh văn phòng, Phó Chánh
văn phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và người làm việc trong văn phòng, ban
thuộc cơ cấu tổ chức ở Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam (sau đây gọi là tổ
chức chính trị - xã hội);
b) Người làm việc trong bộ phận
giúp việc của Ủy ban thuộc tổ chức chính trị - xã hội.
2. Ở cấp tỉnh
Chánh văn phòng, Phó Chánh văn
phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và người làm việc trong văn phòng, ban thuộc
cơ cấu tổ chức của tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức tương đương.
3. Ở cấp huyện
Người làm việc trong cơ quan của
các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức tương đương.
4. Công chức quy định tại các
khoản 1, 2 và 3 Điều này không bao gồm người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo
hiểm xã hội hàng tháng theo quy định của Luật Bảo
hiểm xã hội.
Điều 10.
Công chức trong cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân
Người làm việc trong cơ quan,
đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp,
công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải
là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
Điều 11.
Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập
1. Đơn vị sự nghiệp công lập nói
tại Nghị định này là các tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, cơ quan
Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội thành lập và quản lý theo quy định của
pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, hoạt động trong các lĩnh vực
giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch,
lao động – thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự
nghiệp khác được pháp luật quy định.
2. Người đứng
đầu, cấp phó của người đứng đầu; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức
của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội, Chính phủ.
3. Người đứng
đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước
cấp kinh phí hoạt động thuộc các Ban và cơ quan tương đương của Trung ương Đảng,
Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan Trung ương các tổ chức chính
trị - xã hội, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
4. Người đứng
đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động
thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; tỉnh ủy,
thành ủy; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; huyện ủy,
quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Người giữ
các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp
công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Điều 12.
Công chức được luân chuyển
Công chức được cấp có thẩm quyền
của Đảng, Nhà nước luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị -
xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp do các tổ chức
đó trả lương.
Điều 13.
Trách nhiệm của Bộ Nội vụ
1. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc,
kiểm tra và thanh tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình rà soát,
xác định và lập danh sách công chức theo quy định của Nghị định này.
2. Phối hợp
với Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội,
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước rà
soát, xác định và lập danh sách công chức theo quy định của Nghị định này.
3. Tổng hợp
số lượng công chức thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan, tổ chức quy định tại
các khoản 1, 2 Điều này, trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội theo quy định
của Luật Cán bộ, công chức.
Điều 14.
Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức
Cơ quan có thẩm quyền của Đảng,
tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm
toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà
soát, xác định và lập danh sách công chức thuộc thẩm quyền sử dụng, quản lý
theo quy định tại Nghị định này.
Điều 15. Hiệu
lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2010.
Điều 16.
Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ quan,
tổ chức quy định tại Điều 14 Nghị định này chịu trách nhiệm gửi danh sách và báo cáo số lượng công
chức thuộc thẩm quyền quản lý về Bộ Nội vụ chậm nhất là ngày 30 tháng 6 hàng
năm để theo dõi và tổng hợp.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TCCV (10b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|