Dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 10/09/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký ***
Lĩnh vực Quyền dân sự

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số:    /2025/QH15

Hà Nội, ngày     tháng 10  năm 2025

DỰ THẢO 2

 

 

LUẬT

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự. 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam.

Điều 3. Phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự

Phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài bao gồm:

1. Tống đạt giấy tờ;

2. Thu thập, cung cấp chứng cứ;

3. Triệu tập người làm chứng, người giám định;

4. Các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự khác.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tương trợ tư pháp về dân sự là việc hợp tác, hỗ trợ giữa cơ quan, người có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan, người có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện một hoặc một số hoạt động quy định tại Điều 3 của Luật này.

2. Yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam là việc cơ quan, người có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.

3. Yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài là việc cơ quan, người có thẩm quyền của nước ngoài yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.

4. Giấy tờ theo khoản 1 Điều 3 của Luật này là giấy tờ cần được tống đạt theo pháp luật của nước yêu cầu và theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài cùng là thành viên.

5. Đương sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân cần được tống đạt giấy tờ hoặc có chứng cứ cần thu thập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự.

Điều 5. Áp dụng pháp luật

1. Tương trợ tư pháp về dân sự được thực hiện theo quy định của Luật này. Trường hợp Luật này không quy định thì áp dụng pháp luật điều chỉnh lĩnh vực có yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự.

2. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không quy định thì việc áp dụng pháp luật nước ngoài được xem xét khi có đủ điều kiện sau:

a) Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị áp dụng pháp luật của nước đó;

[...]