Luật Hàng không dân dụng 1991

Số hiệu 63-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 26/12/1991
Ngày có hiệu lực 01/06/1992
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Giao thông - Vận tải

 QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 63-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 1991

 

LUẬT

CỦA QUỐC HỘI SỐ 63-LCT/HĐNN8 NGÀY 26/12/1991 VỀ HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG 

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Mục 1: MỤC ĐÍCH, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

Điều 1

1- Luật này quy định những quan hệ pháp lý liên quan tới hoạt động hàng không dân dụng nhằm bảo đảm an toàn hàng không, khai thác có hiệu quả các tiềm năng về hàng không, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế.

Hoạt động hàng không dân dụng nói tại Luật này bao gồm những hoạt động nhằm sử dụng tầu bay vào mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu kiện, bưu phẩm và phục vụ các hoạt động kinh tế khác, phục vụ nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hoá, thể thao, y tế, tìm kiếm - cứu nguy và các hoạt động dân dụng khác.

2- Đối với những quan hệ pháp lý liên quan tới hoạt động hàng không dân dụng mà Luật này không quy định, thì áp dụng các quy định pháp luật tương ứng khác của Việt Nam.

Điều 2

Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được phép hoạt động kinh doanh hàng không đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực hàng không dân dụng tại Việt Nam trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và pháp luật của Việt Nam.

Điều 3

1- Luật này được áp dụng đối với:

a) Hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam trong lãnh thổ Việt Nam;

b) Hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam ngoài lãnh thổ Việt Nam, nếu pháp luật của nước sở tại không quy định khác;

c) Hoạt động hàng không dân dụng nước ngoài tại Việt Nam trong các trường hợp được Luật này quy định.

2- Luật này không áp dụng đối với tầu bay của các lực lượng vũ trang, hải quan và các tầu bay khác chuyên dùng cho mục đích công vụ Nhà nước do Hội đồng bộ trưởng quy định, sau đây gọi là tầu bay công vụ Nhà nước, trừ trường hợp dùng vào mục đích dân dụng hoặc những trường hợp khác được Luật này quy định.

Điều 4

1- Nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Luật này, thì áp dụng điều ước quốc tế.

2- Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể thoả thuận với tổ chức, cá nhân nước ngoài việc áp dụng pháp luật của nước ngoài khi ký kết hợp đồng vận chuyển, dịch vụ hàng không với điều kiện không vi phạm điều cấm của pháp luật và phong tục, tập quán Việt Nam.

3- Pháp luật của nước ngoài có thể được áp dụng tại Việt Nam để giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động hàng không dân dụng trong các trường hợp do pháp luật Việt Nam quy định hoặc có thoả thuận trong hợp đồng, nếu không trái với trật tự và lợi ích công cộng của Việt Nam.

Điều 5

1- Pháp luật của quốc gia nơi đăng ký tầu bay được áp dụng để điều chỉnh quan hệ phát sinh trong tầu bay đang bay.

2- Trong trường hợp có xung đột pháp luật, thì áp dụng các nguyên tắc sau đây:

a) Các quyền về sở hữu tầu bay được xác định theo pháp luật của quốc gia nơi đăng ký tầu bay;

b) Hình thức hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu tầu bay được xác định theo pháp luật của quốc gia nơi ký kết hợp đồng;

c) Việc trả công cứu hộ được giải quyết theo pháp luật của quốc gia nơi đăng ký tầu bay được cứu hộ;

d) Tranh chấp phát sinh do tầu bay va chạm hoặc gây cản trở cho nhau hoặc do tầu bay đang bay gây thiệt hại cho người thứ ba ở mặt đất được giải quyết theo pháp luật của quốc gia nơi xảy ra tai nạn.

[...]