Nghị định 25/2000/NĐ-CP về quản lý hoạt động bay dân dụng Việt Nam

Số hiệu 25/2000/NĐ-CP
Ngày ban hành 01/08/2000
Ngày có hiệu lực 16/08/2000
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/2000/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2000

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 25/2000/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 8 NĂM 2000 VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BAY DÂN DỤNG TẠI VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26 tháng 12 năm 1991; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này áp dụng đối với:

1. Hoạt động bay dân dụng của tầu bay Việt Nam, tầu bay nước ngoài trong lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

2. Hoạt động bay dân dụng của tầu bay Việt Nam, tầu bay nước ngoài tại các vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;

3. Hoạt động bay khác được quy định tại Nghị định này.

Điều 2. Mọi hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt đối với vùng trời trên lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chỉ được tiến hành khi có phép bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Điều 3. Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Hoạt động bay dân dụng" là các chuyến bay đến, bay đi, bay qua và bay trong lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:

a) Các chuyến bay của tầu bay dân dụng;

b) Các chuyến bay của tầu bay công vụ nhằm mục đích dân dụng hoặc hoạt động trong khu vực kiểm soát của hàng không dân dụng;

c) Các chuyến bay chuyên cơ.

2. "Tầu bay" bao gồm máy bay, tầu lượn, khí cầu và những thiết bị bay tương tự khác có thể được nâng giữ, di chuyển trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí;

3. "Tầu bay dân dụng" là tầu bay chuyên dùng cho mục đích dân dụng, bao gồm vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu kiện, bưu phẩm; phục vụ các hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học; hoạt động văn hoá - xã hội, thể thao, y tế, tìm kiếm - cứu nguy và các hoạt động dân dụng khác;

4. "Tầu bay công vụ" là tầu bay của lực lượng vũ trang, hải quan và các cơ quan nhà nước khác chuyên dùng cho mục đích công vụ;

5. "Khu vực kiểm soát của hàng không dân dụng" bao gồm các đường hàng không quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các khu vực khác được quy định tại Quy chế bay của các sân bay;

6. "Chuyến bay quốc tế" là chuyến bay qua lãnh thổ của hai hoặc nhiều quốc gia, bao gồm chuyến bay thường lệ và chuyến bay không thường lệ. Chuyến bay thường lệ là chuyến bay thương mại phục vụ dịch vụ công cộng thực hiện theo lịch bay công bố hoặc đều đặn mang tính hệ thống. Chuyến bay không thường lệ không phải là chuyến bay thường lệ;

7. "Chuyến bay quân sự" là chuyến bay do tầu bay công vụ hoặc tầu bay dân dụng thực hiện nhằm mục đích quân sự hoặc có tính chất quân sự;

8. "Chuyến bay chuyên cơ" là chuyến bay của Việt Nam hoặc nước ngoài được sử dụng hoàn toàn riêng biệt hoặc kết hợp vận chuyển thương mại và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc thông báo theo quy định phục vụ chuyên cơ;

9. "Tình thế cấp thiết" là tình thế khi tầu bay đang bay có hỏng hóc kỹ thuật, gặp điều kiện thời tiết xấu, an toàn, an ninh của chuyến bay bị uy hiếp tới mức độ phải thay đổi một phần kế hoạch bay để bảo đảm an toàn cho chuyến bay;

10. "Phép bay" là văn bản hoặc hiệu lệnh do cơ quan có thẩm quyền cấp, cho phép tầu bay hoạt động bay, bao gồm các điều kiện và giới hạn của hoạt động bay được phép.

Chương 2:

CẤP VÀ QUẢN LÝ PHÉP BAY

[...]