Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024

Số hiệu 38/2024/QH15
Ngày ban hành 27/06/2024
Ngày có hiệu lực 01/07/2025
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 38/2024/QH15

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2024

 

LUẬT

CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Luật này quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, nguồn lực, chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận quan trọng, ngành đặc thù của công nghiệp quốc gia, thành phần cơ bản của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh; có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm, dịch vụ khác phục vụ quốc phòng, an ninh; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Động viên công nghiệp là một nhiệm vụ của động viên quốc phòng, huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực của doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang thuộc mọi thành phần kinh tế để sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật cho Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; nghiên cứu, sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ quốc phòng. Động viên công nghiệp được chuẩn bị và thực hiện từ thời bình, thực hành động viên khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh.

3. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập hoặc phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Quốc phòng được giao quản lý, làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp.

4. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập hoặc phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Công an được giao quản lý, làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh.

5. Cơ sở huy động là doanh nghiệp, tổ chức ngoài lực lượng vũ trang hoặc doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, đủ điều kiện theo quy định của Luật này được huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh.

6. Cơ sở công nghiệp động viên là doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang đủ điều kiện động viên công nghiệp, được đăng ký, quản lý và hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp theo quy định của Luật này để thực hiện động viên công nghiệp.

7. Vũ khí trang bị kỹ thuật bao gồm các loại vũ khí, tổ hợp vũ khí, đạn dược, phương tiện, khí tài, trang bị kỹ thuật bổ trợ, phần mềm và sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng để phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân, cơ yếu và các lực lượng thực thi pháp luật khác.

8. Vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược là vũ khí trang bị kỹ thuật có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, có tính tích hợp hệ thống, uy lực mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

9. Vật tư kỹ thuật bao gồm các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, chi tiết, cụm chi tiết, bán thành phẩm, thiết bị, phụ tùng, phương tiện dùng cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

10. Phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ bao gồm các loại máy móc, thiết bị, hệ thống thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, phần mềm, sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, an ninh mạng và các phương tiện khác để phục vụ nghiệp vụ công tác công an và các lực lượng thực thi pháp luật khác.

11. Phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt là phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ có tính năng hiện đại, công nghệ cao, có tính phòng ngừa, răn đe, đấu tranh trấn áp, tạo sự đột phá trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thuộc Danh mục tài sản đặc biệt trong Công an nhân dân.

12. Công nghệ lưỡng dụng là công nghệ phục vụ cho cả mục đích quốc phòng, an ninh và dân sinh.

13. Dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh là các dịch vụ về tư vấn, phi tư vấn, thương mại, đầu tư, công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh do cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh và các tổ chức khác đủ điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật.

14. Sản xuất quốc phòng, an ninh là quá trình tạo ra các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh. Sản xuất quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Sản xuất quốc phòng là quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng; sản xuất vật tư kỹ thuật và sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh;

b) Sản xuất an ninh là quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu trong công tác công an; sản xuất sản phẩm an ninh mạng; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí theo quy định của pháp luật; sản xuất vật tư kỹ thuật và sản phẩm khác phục vụ an ninh.

15. Sản phẩm quốc phòng, an ninh là sản phẩm được tạo ra từ hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh, bao gồm sản phẩm quốc phòng và sản phẩm an ninh.

16. Sản phẩm động viên công nghiệp bao gồm vũ khí trang bị kỹ thuật được sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vật tư kỹ thuật được sản xuất trong thời bình, khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh do cơ sở công nghiệp động viên thực hiện.

17. Dây chuyền động viên công nghiệp là hệ thống trang thiết bị công nghệ, phương tiện, nhân lực được bố trí, vận hành đồng bộ để sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, sản xuất vật tư kỹ thuật để thực hiện động viên công nghiệp.

18. Chỉ tiêu động viên công nghiệp là số lượng sản phẩm động viên công nghiệp thực hiện theo quyết định giao nhiệm vụ động viên công nghiệp.

19. Chuẩn bị động viên công nghiệp là thực hiện các hoạt động và biện pháp để sẵn sàng thực hành động viên công nghiệp; sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp theo chỉ tiêu được giao.

[...]