Kế hoạch 75/KH-UBND năm 2012 về khôi phục và phát triển nghề, làng nghề và sản xuất sản phẩm xuất khẩu năm 2013 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 75/KH-UBND
Ngày ban hành 15/10/2012
Ngày có hiệu lực 15/10/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Ngọc Thọ
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 10 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ, LÀNG NGHỀ VÀ SẢN XUẤT SẢN PHẨM XUẤT KHẨU NĂM 2013

Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch khôi phục và phát triển một số nghề, làng nghề và sản xuất sản phẩm xuất khẩu năm 2013 với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Hình thành lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lực lượng chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề có trình độ quản lý, trình độ tổ chức kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, cải tiến mẫu mã.

2. Phát triển làng nghề kết hợp với phát triển du lịch ở những làng nghề có cảnh quan và vị trí thích hợp góp phần khai thác thế mạnh của vùng đất du lịch.

3. Nâng cao năng lực cho các làng nghề: chế biến dầu tràm Lộc Thủy, huyện Phú Lộc; làng nghề chế biến nước mắm Phú Hải, Phú Thuận,…

4. Tiếp tục cải tiến mẫu mã, tạo ra các sản phẩm mẫu mã mới cho các nghề, làng nghề phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo tính nghệ thuật truyền thống và thương mại cao.

5. Phát triển ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và một số làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (sau đây viết tắt là TTCN) khác.

6. Đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm xuất khẩu gắn với giải quyết việc làm trong nông nghiệp nông thôn. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 1.800 - 2.000 lao động trong nông nghiệp nông thôn.

7. Tăng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (sau đây viết tắt là TCMN), sản phẩm xuất khẩu năm 2013 của chương trình là 5 triệu USD.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Bảo tồn, khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề sau

a) Bảo tồn làng nghề gốm Phước Tích theo hướng phục vụ du lịch:

- Tập trung thiết kế, xây dựng 2 đến 3 mẫu mã gốm Phước Tích theo thị hiếu thị trường, nhất là thị hiếu của khách du lịch.

- Hỗ trợ đào tạo nghề sản xuất gốm cho lao động tại làng nghề.

- Hỗ trợ để hoàn chỉnh các hạng mục phục vụ trình diễn kỹ thuật sản xuất đồ gốm phục vụ du lịch.

- Xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm phục vụ du lịch.

Tổng vốn ngân sách đầu tư: 0,750 tỷ đồng.

b) Phát triển làng nghề mây tre đan Bao La theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu:

- Xây dựng mô hình trình diễn nghề truyền thống mây tre đan phục vụ du lịch.

- Hỗ trợ đào tạo nghề cho làng nghề mây tre đan Bao La và các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất hàng mây tre đan có thị trường.

- Hỗ trợ nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm sử dụng nguyên liệu thay thế nhằm tăng năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng theo hướng sản xuất hàng TCMN, hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch và xuất khẩu.

- Tập huấn khởi sự doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý sản xuất kinh doanh cho các cơ sở sản xuất ở làng nghề.

Tổng vốn ngân sách đầu tư cho nghề, làng nghề mây tre đan trên địa bàn tỉnh: 0,55 tỷ đồng.

c) Tiếp tục phát triển làng nghề nón lá Mỹ Lam, Thủy Thanh, Phong Sơn, Đông Đô:

Hoàn chỉnh mô hình trình diễn, nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng bán hàng, xây dựng mẫu mã sản phẩm nón lá phục vụ du lịch cho các hộ sản xuất trong làng nghề.

Tổng vốn ngân sách đầu tư: 0,20 tỷ đồng.

[...]