Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 21/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 21/KH-UBND
Ngày ban hành 05/02/2021
Ngày có hiệu lực 05/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 05 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS VÀO NĂM 2030 TỈNH NINH BÌNH

PHẦN I. TÌNH HÌNH DỊCH HIV/AIDS TẠI NINH BÌNH

* Tính đến 31/12/2020, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Ninh Bình là 3.056 người. Trong đó:

- Tổng số trường hợp nhiễm HIV còn sống: 1.782

+ Số người nhiễm HIV/AIDS ngoài cộng đồng: 374 người

+ Số người nhiễm HIV/AIDs đang điều trị: 1.408 người (bao gồm bệnh nhân có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình điều trị tại tỉnh ngoài)

- Lũy tích HIV tử vong: 1.274 người.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư tỉnh Ninh Bình là 0,18%. Tỷ lệ nhiễm HIV phân bố không đồng đều ở các địa bàn dân cư: Tính đến 31/12/2020, Hoa Lư là huyện có tỷ lệ nhiễm cao nhất với 737,7 người/100.000 dân, tiếp đó là huyện Kim Sơn (490,8 người/100.000dân), huyện Nho Quan (343,7 người/100.000 dân), TP Ninh Bình (330,7 người/100.000 dân), huyện Gia Viễn và Tp Tam Điệp (252,9 - 241,7/100.000 dân) số huyện có tỷ lệ nhiễm thấp là Yên Mô và Yên Khánh tỷ lệ lần lượt là 81 và 91,1 người/100.000 dân.

* Chiều hướng diễn biến của dịch trong 5 năm gần đây:

- Số phát hiện HIV mới có xu hướng giảm: Năm 2014 là 191 trường hợp, năm 2015 giảm còn 92 trường hợp (trong đó 75,7% do nghiện chích ma túy, 19,4% lây truyền qua đường tình dục), năm 2016 là 83 trường hợp; năm 2017 là 129 trường hợp, năm 2018 là 108 trường hợp, năm 2019 là 108 trường hợp và năm 2020 là 72 trường hợp.

- Số trường hợp vào điều trị trong năm: Năm 2014 là 295 trường hợp, đến năm 2017 giảm còn 74 trường hợp, năm 2018 chuyển AIDS là 90 trường hợp; năm 2019 là 32 trường hợp; năm 2020 là 74 trường hợp.

- Số ca tử vong mới phát hiện: Năm 2014 là 288 ca, từ năm 2015 đến năm 2017 số trường hợp tử vong có xu hướng giảm (lần lượt là 15-18-12 ca) do người nhiễm HIV đã được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và điều trị ARV sớm, năm 2019 số ca tử vong là 10 ca; năm 2020 số ca tử vong là 15 ca.

- Tính đến 31/12/2020, lũy tích số người điều trị ARV là 1.732 người, số người hiện đang được điều trị ARV là 1.388 người (tính cả trại giam Ninh Khánh), trong đó 1.345 người lớn và 43 trẻ em, có 905/933 đạt 97% số bệnh nhân điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng vi rút có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế (còn 413 bệnh nhân chưa làm được xét nghiệm tải lượng vi rút HIV).

* Kết quả thực hiện các chỉ tiêu cụ thể tính đến 31/12/2020 (Phụ lục 1)

Dịch HIV/AIDS tại Ninh Bình vẫn đang trong giai đoạn tập trung với tỷ lệ nhiễm cao trong nhóm nghiện chích ma túy (khoảng 86%) và thấp trong nhóm cộng đồng dân cư nói chung. Xu hướng nhiễm HIV trong những năm gần đây: chủ yếu ở nam giới, độ tuổi lây nhiễm từ 15-49 tuổi (khoảng 93%) và lây qua đường máu. Tuy nhiên, những năm gần đây số liệu phát hiện ghi nhận sự tăng nhanh về tỷ lệ phát hiện so với thời gian trước đây ở nhóm nữ giới, nhóm có độ tuổi 20-39 và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam (Số liệu trên phần mềm HIV info).

PHẦN II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. QUAN ĐIỂM

1. HIV/AIDS là dịch bệnh nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và phát triển kinh tế - xã hội. Phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, các Sở, ban, ngành, chính quyền, đoàn thể là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi cộng đồng.

2. Phòng, chống HIV/AIDS phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, chú trọng đến phụ nữ, trẻ em, các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV, đồng bào dân tộc ít người và người dân sống ở vùng sâu, vùng xa.

3. Bảo đảm thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 của Việt Nam và của tỉnh Ninh Bình.

4. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế và các biện pháp xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc phối hợp dự phòng với chăm sóc, điều trị HIV/AIDS toàn diện.

5. Bảo đảm đầu tư các nguồn lực của tỉnh cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình dịch HIV/AIDS, khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực khác cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các huyện, thành phố trong tỉnh chủ động bố trí nguồn lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại tỉnh Ninh Bình vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.

[...]