Kế hoạch 15/KH-UBND năm 2008 về triển khai thực hiện chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 15/KH-UBND
Ngày ban hành 16/07/2008
Ngày có hiệu lực 16/07/2008
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Minh Tùng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/KH-UBND

Long Xuyên, ngày 16 tháng 7 năm 2008

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 30-CT/TU CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ VIỆC HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG HỌC SINH BỎ HỌC

Ngày 19 tháng 5 năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 30-CT/TU về việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Để triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Đẩy mạnh hơn nữa công tác huy động học sinh đến trường để tăng tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học; tích cực phòng chống học sinh bỏ học giữa chừng, nhất là cấp trung học sơ sở, trung học phổ thông, nhằm thực hiện bền vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và tăng hiệu quả đào tạo.

2. Nâng cao chất lượng dạy và học, đặc hiệt là ở bậc tiểu học và các khối lớp đầu cấp, để phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng bền vững, góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1. Tích cực huy động học sinh đến trường để nâng cao tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học.

Tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học ở các cấp, bậc học trong tỉnh hiện còn rất thấp so với cả nước và khu vực; do đó, cần có kế hoạch, biện pháp tích cực hơn để huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường, phấn đấu đến năm 2010 bằng mức trung bình của cả nước. Thực hiện “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục”, “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” bằng nhiều việc làm thiết thực, không phô trương hình thức, nắm chắc số trẻ trong độ tuổi đi học để có kế hoạch huy động từ thời gian tựu trường (tháng 8 hàng năm).

2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo, xem đây là biện pháp căn cơ và lâu dài để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

Chỉ thị 30-CT/TU đã xác định “…học sinh không đi học và bỏ học giữa chừng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do học lực yếu, kém đi đến chán, bỏ học là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp thuộc trách nhiệm ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cần được khắc phục sớm; các nguyên nhân khác thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội”. Do đó, trách nhiệm của ngành GD&ĐT trong thời gian tới là tiếp tục lấy nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, thông qua đổi mới phương pháp dạy và học; cải tiến công tác kiểm tra, thi cử làm nhiệm vụ trung tâm.

a. Đối với Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo:

- Nghiên cứu vận dụng nội dung chương trình và phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, nhất là đối tượng học sinh thiểu năng, chậm tiến bộ, học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn…; có kế hoạch tổ chức lớp học linh hoạt, phù hợp với vùng có tập quán làm ăn theo mùa vụ. Nghiên cứu áp dụng việc giảm tải chương trình, nội dung sách giáo khoa theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh người dân tộc Khmer, Chăm.

Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng “ngồi nhầm lớp” trong 2 năm học tới, từng bước thu hẹp tỷ lệ học sinh học tập yếu, kém. Nâng chất lượng giáo dục là một quá trình, nhưng cần có sự tập trung quyết liệt hơn, phải bắt đầu từ nền tảng là bậc tiểu học và chú ý các lớp đầu cấp.

Thực hiện tốt nguyên lý “học đi đôi với hành”; khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị dạy học đã được trang bị, phát huy tự làm đồ dùng dạy học, để làm cho tiết học sinh động và hấp dẫn người học.

Có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng các phòng chức năng, phòng học bộ môn cho các trường phổ thông, đặc biệt quan tâm bậc tiểu học. Tích cực hơn nữa xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng trường ra trường, tạo cảnh quan sư phạm, môi trường thân thiện để thu hút người học. Kết hợp học tập với các hoạt động phong trào, vui chơi, giải trí trong nhà trường, tạo môi trường giáo dục hấp dẫn đối với học sinh.

- Phấn đấu hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo tiến độ; không chạy theo thành tích, gian dối trong trong thi cử, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp. Chú trọng thực hiện công tác hướng nghiệp, triển khai phân luồng sau cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, giúp học sinh định hướng con đường học tập phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Phân luồng phải chú ý đến tạo điều kiện cho học sinh vào học các loại hình trường, lớp tiếp theo phù hợp; đảm bảo việc học tập ngoài con đường phổ thông chính quy vẫn mang lại tri thức, kỹ năng nghề nghiệp để có công ăn, việc làm sau này, thực hiện được mục tiêu “nâng cao dân trí”.

- Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó, người thầy đóng vai trò quyết định đối với kết quả học tập của học sinh; do đó, phải được thường xuyên bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Ngoài ra, cần xây dựng đạo đức nghề nghiệp, tận tụy với công việc; xây dựng lòng yêu thương học sinh, quan tâm đặc biệt đến đối tượng học sinh học tập yếu, kém và có nguy cơ bỏ học.

Thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy; nâng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm chuẩn mực, đạo đức nhà giáo.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp tục phát huy thanh tra liên ngành giữa thanh tra nhà nước và thanh tra GD&ĐT về huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, để kịp thời tham mưu với cấp ủy, UBND các cấp có biện pháp chỉ đạo thực hiện tốt hơn công tác này. Ngành GD&ĐT cần tổ chức thanh tra sâu sát hơn chất lượng học tập của học sinh; đánh giá, xếp loại giáo viên đúng thực chất, không nể nang; thanh tra thực hiện cuộc vận động “2 không”; tăng cường công tác tự kiểm tra ở trường học.

- Làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp để thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học.

b. Đối với các đơn vị trường học:

- Trong các trường học phổ thông, phải tích cực hưởng ứng cuộc vận động “2 không” và cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy và học nhằm nâng chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai cuộc vận động nầy, phải làm thông suốt trong tập thể sư phạm và cùng quyết tâm thực hiện.

Trong quá trình giáo dục, cần quan tâm đối tượng học sinh yếu, kém, tránh tình trạng để học sinh “ngồi bên lề lớp học”, làm tăng nguy cơ bỏ học. Từng trường có biện pháp tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém phù hợp, chú ý hiệu quả. Về lâu dài, phải xem đây là nhiệm vụ bắt buộc của thầy, cô giáo theo qui định của điều lệ nhà trường phổ thông.

- Thực hiện tốt công tác nắm tình hình, sớm phát hiện học sinh có nguy cơ bỏ học, xác định nguyên nhân để theo dõi, giúp đỡ kịp thời bằng nhiều biện pháp từ phía Ban đại diện Cha mẹ học sinh, thầy cô giáo và bạn bè trong lớp. Giới thiệu để hội khuyến học, các tổ chức đoàn thể tham gia hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các đối tượng nầy.

- Chủ động phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm; tạo điều kiện để cha mẹ học sinh biết tình hình học tập, đạo đức của con em mình, biết tình hình hoạt động của nhà trường và những chủ trương, chính sách về công tác giáo dục và đào tạo.

- Đặc biệt quan tâm giữ gìn, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất nhà trường, tạo cảnh quan sư phạm; triển khai tốt các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động thể dục thể thao để tạo môi trường thân thiện, thu hút học sinh.

c. Đối với các sở, ngành liên quan:

[...]