Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 99/KH-UBND năm 2022 thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 99/KH-UBND
Ngày ban hành 30/05/2022
Ngày có hiệu lực 30/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Mạnh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 30 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP)

Thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP). Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu đã được đề ra trong Kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, ban hành kèm theo Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh về tầm quan trọng và sự tác động của Hiệp định CPTPP đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; qua đó chủ động khai thác có hiệu quả những mặt tích cực của Hiệp định CPTPP.

2. Yêu cầu

- Phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân. Xác định cụ thể nội dung công việc, trách nhiệm và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện.

- Các nội dung thực hiện phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định CPTPP và thị trường của các nước tham gia Hiệp định CPTPP

- Tăng cường phổ biến về Hiệp định CPTPP và thị trường của các nước tham gia Hiệp định CPTPP đến cán bộ, công chức viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động như nông dân, cơ quan quản lý cấp tỉnh và các huyện, thành phố, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả hiệp định CPTPP.

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp về một số lĩnh vực như: Đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm công, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, nông, lâm nghiệp, lao động, môi trường v.v… về các cam kết cụ thể có liên quan trong Hiệp định CPTPP để bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ, quản lý các doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.

- Tăng cường phối hợp với cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương, để cung cấp thông tin, triển khai hướng dẫn đến các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, người dân hiểu rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp định để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

- Đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước của các cơ quan có chức năng cung cấp thông tin về thương mại - đầu tư để các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước đối tác CPTPP, cũng như dự báo được nhu cầu của thị trường trong nước và ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.

- Sở Công Thương là cơ quan đầu mối thông tin về hiệp định CPTPP để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp định CPTPP và các FTA mà Việt Nam tham gia. Đồng thời thông tin cụ thể về các chủ trương, chính sách của tỉnh trong việc sẵn sàng tham gia hội nhập theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.

2. Công tác xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

- Các sở, ngành chủ động bám sát vào chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương (ngành dọc cấp trên), để tham mưu với UBND tỉnh cụ thể hoá các chủ trương, chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có nội dung liên quan đến Hiệp định CPTPP để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không còn phù hợp hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP.

- Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Tham tán thương mại tại các nước thành viên CPTPP để nắm bắt thông tin về xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết thực thi Hiệp định CPTPP. Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ khác của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP. Tổ chức áp dụng trực tiếp các cam kết đã được quy định trong Phụ lục 2 của Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối thực hiện nắm bắt thông tin thực thi Hiệp định CPTPP và tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác nước ngoài trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP. Khi xây dựng báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh định kỳ cần quan tâm cập nhật và chỉ ra những bất cập, thách thức về kinh tế, về xã hội, về thu ngân sách, về lĩnh vực lao động, về lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin,...

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, tuân thủ, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ biến động thị trường quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp của tỉnh trong trường hợp có tranh chấp thương mại.

Tập trung thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 18/12/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 25/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII) về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó tiến hành đánh giá định lượng những tác động của Hiệp định CPTPP đối với các ngành sản xuất, cung cấp dịch vụ để từ đó đề xuất các biện pháp cụ thể trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Trung Tâm xúc tiến đầu tư tỉnh đẩy mạnh triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại; xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch; để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, sản phẩm của tỉnh. Chủ động phối hợp với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, du lịch và thu hút đầu tư;

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội đẩy mạnh việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp khai thác hiệu quả thông tin về việc làm của tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hoá đào tạo nghề, đặc biệt là nhóm ngành nghề tham gia Hiệp định CPTPP.

- Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác tham mưu, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất cho doanh nghiệp và các ngành sản xuất. Thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh trong thương mại quốc tế.

[...]