Kế hoạch 223/KH-UBND năm 2021 về Kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 223/KH-UBND
Ngày ban hành 18/12/2021
Ngày có hiệu lực 18/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 223/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 18 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 25/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII) về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 25/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII) về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khai thác hợp lý các nguồn lực để tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Yêu cầu

Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để lĩnh vực công nghiệp của tỉnh có bước đột phá trong giai đoạn 2021-2025. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao giá trị sản xuất, giá trị xuất khẩu, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đóng góp lớn hơn vào ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương. Phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng tập trung, phù hợp lợi thế của từng vùng: Khu vực phía Nam của tỉnh và thành phố Tuyên Quang, ưu tiên phát triển các ngành: Chế biến gỗ, giấy, điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến sâu khoáng sản, vật liệu xây dựng, chế biến đồ uống, dược phẩm,...; khu vực phía Bắc của tỉnh ưu tiên phát triển các ngành: Dệt may, da giày, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, chế biến thực phẩm và dược liệu,...

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đi vào sản xuất các dự án công nghiệp trọng điểm. Thực hiện tốt, có chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công, xúc tiến đầu tư để tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, thu hút được các tập đoàn, công ty lớn có tiềm lực đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, đóng góp nhiều cho ngân sách; đồng thời dẫn dắt sản xuất, chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa đến môi trường phát triển công nghiệp của tỉnh, góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp, là ngành kinh tế đóng góp quan trọng, bền vững vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Phấn đấu hoàn thành vượt m ức các mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

(1)- Giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá so sánh 2010) đạt trên 27. 700 tỷ đồng, tăng bình quân 05 năm (2021 - 2025) trên 14% (phụ lục 1 kèm theo).

(2)- Cơ cấu lao động ngành công nghiệp chiếm trên 25,8%, tương đương trên 138.700 lao động, trong đó lao động qua đào tạo chiếm trên 65%.

(3)- Cơ cấu ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt trên 24,7%.

(4)- Hoàn thành quy hoạch, thành lập mới: Khu công nghiệp Nam Sơn Dương, Khu công nghiệp Tam Đa (huyện Sơn Dương) và Khu công nghiệp Nhữ Khê (huyện Yên Sơn); điều chỉnh mở rộng Khu công nghiệp Long Bình An (thành phố Tuyên Quang).

(5)- Quy hoạch, thành lập mới ít nhất 5 cụm công nghiệp.

(6)- Tỷ lệ trung bình lấp đầy khu, cụm công nghiệp phấn đấu đạt trên 60%.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác thông tin, tuyên truyền

Tuyên truyền sâu, rộng về nội dung Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 25- NQ/TU ngày 25/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII) về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và các nội dung cụ thể của Kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

2. Về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp

2.1- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã có của Trung ương và địa phương: Về phát triển công nghiệp hỗ trợ (Nghị định số 11/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ), hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh), hỗ trợ các dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 26/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh)…

2.2- Rà soát, hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh các chính sách về khuyến công, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ các nhà đầu tư trong đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề lao động và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, vận hành sản xuất, kinh doanh.

2.3- Xây dựng, ban hành các chính sách về thu hút các nhà đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

2.4- Xây dựng, ban hành Chính sách thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, giá trị kinh tế cao: chế biến nông lâm sản; công nghiệp phụ trợ, điện tử; chế biến sâu khoáng sản; chế biến dược liệu…

2.5- Rà soát, đề nghị Trung ương điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực sự thuận lợi, hiệu quả cho cả nhà đầu tư và Nhà nước.

2.6- Xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất về đất đai, giải quyết thủ tục hành chính, phát triển vùng nguyên liệu, lao động để thu hút các nhà đầu tư.

2.7- Hoàn thành khoanh vùng, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh và triển khai xây dựng Quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung: chè, cam, mía, gỗ rừng trồng; các vùng nguyên liệu mới có lợi thế: Nuôi trồng thuỷ sản, trồng dược liệu, sản xuất vật liệu xây dựng,... đáp ứng nguyên liệu chế biến, sản xuất cho các nhà máy.

2.8- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, hiệu quả, bền vững; tập trung vào các sản phẩm chủ lực: Gỗ rừng trồng, chè, mía, thủy sản, dược liệu…

[...]