Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 97/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chỉ thị 05-CT/TU về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 97/KH-UBND
Ngày ban hành 09/09/2016
Ngày có hiệu lực 09/09/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 09 tháng 9 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 05-CT/TU NGÀY 09/6/2016 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ PHÒNG, CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 09/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 09/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và mỗi người dân đều có trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP); tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020.

2. Yêu cầu

Công tác đảm bảo ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; thực hiện theo nguyên tắc, đảm bảo an toàn ở tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến và tiêu dùng sản phẩm.

Xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 09/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác đảm bảo ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Tăng cường phối hợp, phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý ATTP tránh sự chồng chéo trong quản lý.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đạo đức của mỗi người, mỗi cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và của cộng đồng đối với công tác bảo đảm vệ sinh ATTP; nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP, kiểm soát tốt ATTP nhằm giải quyết căn bản những bức xúc nổi cộm hiện nay, cải thiện rõ tình trạng ATTP trên địa bàn tỉnh; chủ động phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần bảo vệ, nâng cao chất lượng sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới.

2. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2020

2.1. Nâng cao nhận thức, thực hành đúng về ATTP của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và của người tiêu dùng

- 90% người sản xuất, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm, có kiến thức thực hành đúng về ATTP.

- 95% người quản lý các cấp có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.

2.2. Nâng cao năng lực quản lý đảm bảo chất lượng ATTP

- 100% các huyện, thành phố có cán bộ, chuyên trách làm công tác ATTP.

- 100% cán bộ làm công tác ATTP từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thị trấn được đào tạo, cập nhật kiến thức về quản lý, chuyên môn kỹ thuật về ATTP.

- Tuyến tỉnh có ít nhất 01 phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025:2005.

2.3. Cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể và dịch vụ ăn uống

- Trên 90% các cơ sở sản xuất, kinh doanh do ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý được cấp “Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm”.

- 100% bếp ăn tập thể được quản lý và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

- 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến tỉnh và 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến huyện được kiểm tra, đánh giá và phân loại hàng năm (trong đó 80% đạt điều kiện ATTP).

- 100% siêu thị được kiểm soát ATTP; 80% chợ được quy hoạch và kiểm soát về ATTP.

2.4. Đẩy mạnh và phát triển mô hình quản lý ATTP tiên tiến

- 100% các huyện, thành phố quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất rau, quả, chè, thịt an toàn; 80% vùng nuôi trồng nhỏ lẻ được giám sát dư lượng hóa chất độc hại; 30% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký cam kết bảo đảm ATTP theo quy định.

[...]