Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 9437/KH-UBND năm 2022 về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 9437/KH-UBND
Ngày ban hành 08/12/2022
Ngày có hiệu lực 08/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9437/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 08 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2022-2025

Thực hiện Quyết định số 3685/QĐ-BNN-KTHT ngày 29/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 246/TTr-SNN ngày 31/10/2022 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Tổ chức chương trình đào tạo nông dân, người lao động nông thôn đáp ứng thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 19 về nông nghiệp nông dân và nông thôn. Xác định rõ các đối tượng đào tạo nghề ở nông thôn để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, gắn với tạo việc làm sau đào tạo sát yêu cầu thực tiễn và hiệu quả, đặc biệt thúc đẩy phát triển ngành nghề dịch vụ nông nghiệp; nâng cao năng lực thực hành, kiến thức để người nông dân trở thành chủ thể sản xuất hàng hóa thực sự, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất và tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

a) Đến năm 2025 tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo lên 60%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%; thu nhập của dân cư nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

b) Đào tạo nghề nông nghiệp cho 10.160 lao động nông thôn, trong đó:

- Đào tạo, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp để 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ;

- Đào tạo cho 9.960 lao động nông thôn tham gia các vùng nguyên liệu; lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp nhằm giảm nghèo bền vững.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, khảo sát, xác định nhu cầu học nghề, nâng cao nhận thức cho người lao động, các cơ sở đào tạo về chủ trương, định hướng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

a) Khảo sát, xác định nhu cầu học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và phát triển kinh tế xã hội của địa phương để đào tạo nghề đảm bảo được nội dung, mục tiêu đề ra.

b) Xây dựng các chuyên trang, phóng sự tuyên truyền về chủ trương, định hướng phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp, các yêu cầu về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; tổ chức các hội nghị, hội thảo về công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động ngành nông nghiệp.

c) Xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; tiêu chí đánh giá hiệu quả sau đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

2. Phát triển chương trình, giáo trình đào tạo: Hỗ trợ các Trung tâm dạy nghề xây dựng các chương trình, giáo trình cập nhật kiến thức, kỹ năng cho lao động sản xuất các sản phẩm chủ lực ở địa phương, sản phẩm có giá trị kinh tế, xuất khẩu và phát triển du lịch nông thôn; kỹ năng quản lý, ứng dụng các công nghệ thông tin, quản trị maketing, tài chính, chuyển đổi số; truy xuất nguồn gốc và xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

3. Nội dung đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn:

a) Nội dung đào tạo các nghề để thực hiện:

- Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Nghị quyết số 21/NQ-TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp chủ trì, gồm (1) Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; (2) Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; (3) Phát triển du lịch nông thôn tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, đề án, kế hoạch trọng tâm khác của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

b) Đào tạo nghề “Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp” cho các hợp tác xã nông nghiệp để đảm bảo mục tiêu “80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Đào tạo nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn. Đào tạo cho người lao động biết ứng dụng các công nghệ thông tin, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo nâng cao kỹ năng về quản lý, quản trị marketing, tài chính và biết xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Kinh doanh nông nghiệp; dịch vụ nông nghiệp, nông thôn (du lịch và môi trường); các nghề mới, nghề giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

d) Đào tạo cho người lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quy trình kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng blockchain từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

đ) Bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới: Dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; marketing, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và giám đốc HTX nông nghiệp; cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, chế biến mới, phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh; đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Quy mô đào tạo và danh mục nghề dự kiến đào tạo theo các Phụ lục 1,2,3 đính kèm.

4. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người dạy nghề nông nghiệp, cán bộ quản lý:

[...]