Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2016 thực hiện Kết luận 52-KL/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 94/KH-UBND
Ngày ban hành 17/11/2016
Ngày có hiệu lực 17/11/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Huấn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 17 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 52-KL/TU NGÀY 18/8/2016 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Kết luận số 52-KL/TU ngày 18/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 52-KL/TU ngày 18/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp Kết luận số 52-KL/TU ngày 18/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Kết luận số 52-KL/TU ngày 18/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh  ủy).

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về công tác an toàn thực phẩm (ATTP) và vị trí, vai trò của thực phẩm an toàn đối với sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh;

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác ATTP, góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức khỏe của nhân dân, nâng cao chất lượng giống nòi, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Công tác ATTP phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trên cơ sở huy động được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội.

- Triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm ATTP trong tình hình mới đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương, đơn vị và sự phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm ATTP.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo đảm ATTP

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác ATTP trên địa bàn. Đưa mục tiêu về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở địa phương.

- Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 08/CT-TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chiến lược quốc gia về vệ sinh ATTP giai đoạn 2012-2020; Kết luận số 52-KL/TU ngày 18/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh  ủy; Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 05/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo đảm ATTP.

2. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về ATTP

- Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 05/8/2016 về thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm quản lý toàn diện về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi, thẩm quyền được phân công, phân cấp theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm, quy định của Chính phủ và của Ủy ban nhân dân tỉnh. Quản lý an toàn thực phẩm phải thực hiện theo nguyên tắc: bảo đảm an toàn ở tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.

- Thường xuyên kiện toàn, củng cố và phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Tập trung củng cố hệ thống tổ chức quản lý ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; xem xét bố trí nhân lực, kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho công tác ATTP; có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATTP.

- Các cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng thời kỳ phải tính toán, xác định chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, bố trí ngân sách để bảo đảm hoạt động an toàn thực phẩm tại địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ và đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực trách nhiệm, thẩm quyền quản lý theo quy định.

- Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các cơ quan, đơn vị và chính quyền các cấp; việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm (việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi, phụ gia trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm,...); kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Xử lý, kỷ luật nghiêm những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý; các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP.

Đẩy mạnh hoạt động  giám sát ô nhiễm thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm; trang bị bộ test thử nhanh đến tuyến xã, phường; phát hiện, xử lý sớm ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, thực hành vệ sinh tốt, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao. Tiến hành xây dựng mô hình tiên tiến về ATTP, xây dựng hệ thống cộng tác viên ở các xã, phường, thị trấn.

3. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến thực sự về hành vi an toàn thực phẩm

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ và các văn bản của Trung ương, của tỉnh; tuyên truyền về ý nghĩa thiết thực, tính cần thiết của công tác bảo đảm ATTP đối với đời sống xã hội, sức khỏe của con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, toàn xã hội đối với công tác an toàn thực phẩm.

- Đổi mới nội dung, phương pháp, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về công tác bảo đảm ATTP; phát huy tốt vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên hệ thống truyền thanh cơ sở trong công tác tuyên truyền về bảo đảm ATTP; chú trọng công tác tuyên truyền vận động các hộ nông dân, cá nhân sản xuất, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng hóa chất, các chất phụ gia trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố quy trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

[...]