Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Chương trình 27-CTr/TU về bảo vệ môi trường “Cần Thơ xanh và sạch”; phòng, chống ô nhiễm và ngập nghẹt thành phố giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 94/KH-UBND
Ngày ban hành 26/04/2022
Ngày có hiệu lực 26/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Dương Tấn Hiển
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 26 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 27-CTR/TU NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2021 CỦA THÀNH ỦY CẦN THƠ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG “CẦN THƠ XANH VÀ SẠCH”; PHÒNG, CHỐNG Ô NHIỄM VÀ NGẬP NGHẸT THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2022-2025

Thực hiện Chương trình số 27-CTr/TU ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy Cần Thơ về bảo vệ môi trường “Cần Thơ xanh và sạch”; phòng, chống ô nhiễm và ngập nghẹt thành phố giai đoạn 2022-2025, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức phổ biến, quán triệt Chương trình số 27-CTr/TU của Thành ủy về bảo vệ môi trường “Cần Thơ xanh và sạch”, phòng, chống ô nhiễm và ngập nghẹt thành phố giai đoạn 2022-2025 tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện Chương trình.

2. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của Chương trình số 27-CTr/TU ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy; góp phần xây dựng và phát triển Cần Thơ xứng tầm là thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần của Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị.

3. Lãnh đạo Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ động phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện; có trọng tâm, trọng điểm theo tình hình thực tế của từng ngành, lĩnh vực, địa phương để thực hiện hiệu quả Chương trình số 27-CTr/TU ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy.

II. CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

Phấn đấu đến năm 2025, đạt các chỉ tiêu như sau:

1. Tăng tỷ lệ phủ xanh: đảm bảo tiêu chuẩn tỷ lệ cây xanh trong các khu đô thị, khu dân cư theo quy định; trồng được khoảng 6,838 triệu cây xanh phân tán.

2. Các chỉ tiêu môi trường:

- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: đạt 100%

- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn đạt 95%

- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại đạt 100%; chất thải y tế 100%

- Tỷ lệ các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu và hệ thống quan trắc nước thải tự động: 100%

- Tỷ lệ các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động được truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường: 100%

- Tỷ lệ đường đô thị và đường đi qua khu dân cư ngoài đô thị có hệ thống thoát nước mưa: 100%

- Tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt: 75%

- Thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường phù hợp với định hướng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong công tác chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ môi trường, phòng chống ngập, nghẹt và thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, phương tiện truyền thông đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

2. Hoàn thành đúng tiến độ công tác lập Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đảm bảo tích hợp đầy đủ, hợp lý các phương án phát triển ngành, lĩnh vực; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên quận huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với cấp quốc gia và quy hoạch vùng, theo hướng đô thị sinh thái, sông nước, văn minh, hiện đại có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

3. Thực hiện Chương trình nâng cấp đô thị, triển khai các giải pháp phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; cải tạo, nạo vét khơi thông dòng chảy; các công trình thủy lợi, hồ chứa đảm bảo điều tiết, kiểm soát hạn chế ngập. Phát triển và quản lý đô thị hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và thể hiện rõ nét đặc trưng đô thị sông nước, phát huy thế mạnh về cảnh quan, không gian, hệ sinh thái, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố. Nâng cấp cải thiện hạ tầng đô thị, giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường để nâng cao khả năng chống chịu với các áp lực lên môi trường, giải quyết căn cơ tình trạng ngập, nghẹt các đô thị lõi, nâng cao khả năng chống chịu đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mưa lớn kéo dài.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của địa phương; triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm; triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố; cải tiến hệ thống thu gom, trung chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giám sát chặt chẽ hoạt động thu gom, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải y tế; cải thiện chất lượng môi trường đất, nước, không khí ở đô thị, nông thôn. Nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

5. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm khí thải nhà kính, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh theo chuỗi giá trị, chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo; phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái...

6. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường, cảnh báo, giám sát môi trường; quản lý đô thị và phòng chống ngập nghẹt.

7. Triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác với các địa phương trong vùng; liên kết chặt chẽ trong thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phát huy sức mạnh cả vùng để thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ cơ hội trao đổi các kinh nghiệm, sáng kiến và thu hút các nguồn lực hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực môi trường, thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

(Đính kèm Phụ lục danh mục các nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình số 27-CTr/TU)

[...]