Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 93/KH-UBND năm 2012 thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012 - 2020

Số hiệu 93/KH-UBND
Ngày ban hành 16/11/2012
Ngày có hiệu lực 16/11/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Ngô Hòa
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 16 tháng 11 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

Căn cứ Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020; Công văn số 2722/LĐTBXH-BTXH ngày 08 tháng 8 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT GIAI ĐOẠN 2006 - 2011

1. Thực trạng công tác trợ giúp người khuyết tật

Thực hiện Pháp lệnh trợ giúp người tàn tật; Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2006 về phê duyệt Đề án Trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 - 2010; Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007; Nghị định 13/2010/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2007/NĐ-CP và gần đây nhất là Luật Người khuyết tật; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số: 39/KH-UB ngày 30 tháng 4 năm 2008 triển khai thực hiện việc trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010; Các Quyết định về việc quy định chế độ nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội trong đó có người khuyết tật phù hợp với địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tính đến tháng 8 năm 2012, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 11.299 người khuyết tật sống tại cộng đồng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng với mức tối thiểu là: 180.000 đồng/người/tháng; hơn 650 người khuyết tật được nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập; hàng trăm lượt người khuyết tật được trợ giúp các phương tiện hỗ trợ như xe lăn, xe lắc, máy trợ thính, gậy, nạng nách...

Một số nhóm người khuyết tật khác được các chương trình, dự án hỗ trợ vốn để tạo sinh kế cải thiện cuộc sống, được chăm sóc sức khỏe, được tham gia các lớp tập huấn để vượt qua mặc cảm tật nguyền vươn lên và từng bước hòa nhập với các hoạt động của xã hội. Việc dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật cũng được các địa phương chú ý. Với 6 cơ sở sản xuất kinh doanh, 2 cơ sở vừa học vừa làm thu hút gần 300 người khuyết tật có việc làm. Riêng Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi giải quyết cho vay tạo việc làm, không lấy lãi với 254 triệu đồng. Có khoảng 1.500/5.000 người khuyết tật có nhu cầu được học nghề.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh phần lớn Hội Người mù ở các huyện, thị xã và thành phố Huế thường xuyên dạy nghề và giải quyết việc làm cho hội viên, các cơ sở đào tạo nghề của các hội, đoàn thể, tổ chức cũng đang mở nhiều lớp dạy nghề cho người khuyết tật. Hoạt động văn hóa, thể thao cho người khuyết tật được tổ chức hàng năm, công tác giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ngày càng được chú trọng.

Đặc biệt trong năm 2011 và 2012, Hội người khuyết tật tỉnh và một số Hội người khuyết tật huyện, xã đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đây là cơ sở thuận lợi để tiến hành vận động và thực hiện các hoạt động trợ giúp cho người khuyết tật trong thời gian đến. Tuy nhiên, các chính sách trợ giúp cho người khuyết tật vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể là:

- Công tác tuyên truyền phổ biến văn bản và chính sách liên quan đến người khuyết tật cũng còn hạn chế. Hiện nay, do thiểu hiểu biết, nên một số người khuyết tật vẫn còn bị xa lánh, kỳ thị. Gia đình phải chăm sóc lâu dài cùng với khó khăn về kinh tế nên họ chán nản.

- Thiếu quy trình và nhân viên công tác xã hội làm nhiệm vụ phát hiện, can thiệp và trợ giúp người khuyết tật tại cộng đồng.

- Tiêu chí phân hạng, phân loại người khuyết tật để thụ hưởng các chính sách chậm được hướng dẫn thực hiện.

- Mặc dù Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để xã hội hóa các cơ sở Bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật theo Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/8/2008, nhưng đến nay số cơ sở Bảo trợ xã hội chuyên chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật còn hạn chế.

- Cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật nặng ở cơ sở Bảo trợ xã hội còn rất thiếu so với quy định tiêu chuẩn chăm sóc hiện hành. Phần lớn chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Thiếu các điều kiện phụ trợ, phương tiện, dụng cụ phục hồi chức năng chuyên biệt cho từng loại khuyết tật.

- Chưa có khảo sát, thống kê nào về số người khuyết tật mới nảy sinh để cập nhật đầy đủ.

- Công tác phát hiện, can thiệp và phục hồi chức năng cho người khuyết tật phải dựa trên 2 khía cạnh, vừa xã hội vừa y tế nhưng đội ngũ cán bộ công tác xã hội đang hình thành, cơ chế phối hợp chưa xây dựng nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

2. Dự báo số người khuyết tật giai đoạn 2012-2020

Hiện nay ước tính cả tỉnh có khoảng 29.000 người khuyết tật, chiếm khoảng 2,63% dân số. Bao gồm các dạng tật sau: khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Tỷ lệ nam là người khuyết tật cao hơn nữ do các nguyên nhân hậu quả chiến tranh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích...

Xuất phát từ những căn cứ pháp lý, điều kiện thực tiễn và dự báo của địa phương, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020 trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng dân cư quan tâm, trợ giúp người khuyết tật. Tạo môi trường thuận lợi để người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội;

Cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Xây dựng môi trường xã hội ngày càng chăm lo tốt hơn quyền lợi của người khuyết tật.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2012 - 2015

- Hằng năm 70% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 750 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp;

[...]